Được tạo bởi Blogger.

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2020

Top 7 đặc sản ẩm thực ngon nhất tại Tuyên Quang

0 comments
Tuyên Quang nằm ở trung tâm vùng núi phía Bắc nước ta. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với những địa danh có phong cảnh hữu tình đi vào lòng người mà còn là nơi quy tụ của rất nhiều nền văn hóa từ các dân tộc thiểu số khác nhau. Chính vì vậy, đi du lịch Tuyên Quang, bạn không chỉ có cơ hội thăm quan, khám phá các địa điểm du lịch nổi tiếng mà còn được trải nghiệm, giao lưu văn hóa, tiếp thu và học hỏi những nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây. Do đó, vùng đất này luôn mang lại cảm giác mới lạ, hứng thú cho khách du lịch. Đặc biệt Tuyên Quang nổi tiếng với những đặc sản ẩm thực phong phú mang đậm bản sắc vùng miền mà ai một lần thưởng thức sẽ "say" không muốn về. Cùng TopChuan.com tìm hiểu một số món ẩm thực ngon nhất tại Tuyên Quang nhé.

Rượu ngô Na Hang

Đến với Na Hang vùng đất huyền thoại bạn sẽ được hòa nhịp với cuộc sống nơi đây, sẽ được tiếp đãi ân tình bời tấm lòng nhân hậu của bà con dân tộc, để thưởng thức vị cay nồng hương thơm ngào ngạt của rượu ngô và lai rai với thịt trâu gác bếp, thịt lợn đen, cá sông Gâm…

Văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam được thể hiện khá đậm nét qua các món ăn truyền thống, nhưng ở mỗi dân tộc lại có cách thức chế biến các món ăn, đồ uống cho riêng mình. Người Tày ở huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang có vốn văn hóa ẩm thực truyền thống khá phong phú với nhiều món ăn, thức uống đặc trưng của miền rừng núi đã để lại dấu ấn sâu đậm cho những người dù chỉ một lần được thưởng thức, đặc biệt là rượu ngô, thứ rượu nổi tiếng thơm ngon của miền đất này.

  1. Để có được những giọt rượu hương vị thơm ngon đặc biệt, đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn chế biến cũng như thời gian với sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Rượu ngô Na Hang được nấu từ ngô ủ bằng men lá. Men được làm từ các loại lá, rễ cây rừng. Các loại lá, rễ rửa sạch, phơi khô cho vào hũ ngâm nước lã cho thật ngấu rồi lấy nước hòa với bột gạo và giềng giã nhỏ nặn thành viên men nhỏ để trên trấu sạch.
  2. Để tạo ra được thứ đồ uống ngon như vậy là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự tuân thủ các nguyên tắc nhất định. Trước hết, phải phơi ngô nếp nương thật khô, thật kỹ. Sau đó cho vào nồi nấu với lượng nước vừa phải, bao giờ thấy ngô nở bung nứt thành ba cạnh thì lấy ra rải mỏng trên cót cho bay bớt hơi nước. Trong lúc đợi ngô nguội thì mang men ra giã nhỏ thành bột. Khi thấy ngô còn hơi ấm thì rắc men, đảo đều. Cứ 10kg ngô thì rắc 300gr bột men, sau đó đánh đều để ủ, nếu trời lạnh phải che đậy để giữ nhiệt độ ổn định. Nếu rắc men khi ngô vẫn còn nóng thì khi nấu rượu sẽ bị chua.
  3. Để khoảng hai ngày hai đêm, thấy mùi thơm thì cho vào các chum vại ủ, sau khoảng 15-20 ngày thì có thể mang ra nấu cất lấy rượu. Người Tày ở Na Hang nấu rượu theo kiểu nấu cách thủy, chõ dùng để nấu rượu được làm băng loại gỗ rừng, chất gỗ mềm và dẻo như cây muồng, cây cơi, loại gỗ này thường nấu được nhiều rượu và ngon, không có mùi gỗ nên rượu để được lâu.Khi đun phải chọn củi tốt để lửa cháy đều, tạo cho lượng hơi nước thoát lên đều. Trong quá trình nấu phải thường xuyên kiểm tra độ rượu, khoảng 400 là rượu ngon, xuống tới 270 thì không lấy nữa. Thường nấu 10kg ngô sẽ cho 5-6 lít rượu, nếu tốt có thể đạt tới 8 lít.
  4. Trong quá trình nấu rượu, người Tày thường kiêng không cho người đi đỡ đẻ hay người đi dự đám ma nhìn và sờ vào rượu. Phụ nữ sau khi sinh con 40 ngày mới được tiếp xúc với rượu. Khi nấu rượu họ thường cho sẵn một con dao cũ vào bếp lửa nếu có người mà kỵ vô tình đến xem hoặc hỏi chuyện thì rút dao ra cắm vào cạnh bếp, đây là cách làm mẹo để rượu không bị hỏng. Để có được thứ rượu thơm, ngon nổi tiếng, người Tày ở huyện Na Hang phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu cơ bản trên.

Uống rượu ngô Na Hang ta có thể cảm nhận được hết sự vất vả, sự nhọc nhằn và cả tấm chân tình của con người nơi đây đã gửi gắm trong từng giọt rượu. Sở dĩ rượu ngô Na Hang không chỉ nổi tiếng mà người dân luôn tâm huyết với nghề bởi nó như một thứ di sản văn hóa, nay đã trở thành sản phẩm du lịch không thể thiếu, phần nào làm nên niềm tự hào của người dân Na Hang nói riêng và người dân Tuyên Quang nói chung.

Rượu ngô Na Hang

Rượu ngô Na Hang

Mắm cá ruộng

Bên cạnh những đặc sản nổi tiếng như rượu nếp cái hoa vàng, bánh gai, xôi bảy màu, vùng đất Tuyên Quang còn nổi tiếng với món mắm cá ruộng. Đây vừa là món ăn truyền thống, cũng vừa là một vị thuốc độc đáo của đồng bào dân tộc Tày từ bao đời nay.

Để làm ra một hũ mắm cá đòi hỏi khá công phu, phải mất 3 tháng nuôi cá ở ruộng và 10 tháng ủ men làm mắm, nhưng bù lại hương thơm tuyệt hảo của nó thì vị khách khó tính nhất cũng khó có thể cưỡng lại.

  1. Theo bí quyết mà các cụ già truyền lại thì để làm món ăn này phải chọn đúng loại cá chép nuôi ở ruộng, to chừng khoảng hai ngón tay, mổ moi ruột sạch sẽ, để ráo nước. Khâu mổ cá phải thật khéo, không được làm vỡ mật cá, nếu không mắm sẽ có vị đắng. Tiếp đó đem cá đã làm sạch xát muối, giềng, hành thái lát mỏng trộn đều rồi đổ vào hũ, mùa hè thì ủ từ 3-5 ngày, mùa đông phải khoảng 1 tuần. Trong thời gian ủ cá thì đồ xôi nếp, rắc men lên rồi đậy kín. Cuối cùng là hái lá cơm đỏ, lá trầu không về thái chỉ, trộn đều với cá và xôi nếp đã lên men. Sau đó đem đổ vào hũ, bịt thật kín. 10 tháng sau mở hũ mắm ra là dùng được.
  2. Món mắm ngon phải có màu đỏ tía, dậy mùi thơm nức, không có mùi tanh, hôi. Trải qua 10 tháng ủ trong hỗn hợp, cá phải chín cả thịt lẫn xương mới đạt yêu cầu.
  3. Mắm cá ruộng có rất nhiều cách thưởng thức. Ngoài dùng để chấm các loại thịt luộc, rau luộc, rau sống, bà con còn dùng để xào với trám om đã bỏ hột, sẽ có món ăn mang hương vị vô cùng độc đáo. Đặc biệt, mắm cá ruộng còn là vị thuốc giải rượu, giải độc rất tốt. Thường sau khi ăn gần hết hũ mắm, bà con để lại một ít để phòng trong nhà có người bị say rượu, trúng gió hay bị ngộ độc nhẹ. Chỉ cần múc ngay một ít mắm cho người đó uống, sẽ giảm nhanh các triệu chứng khó chịu.

Mắm cá ruộng không chỉ là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày huyện Chiêm Hóa mà giờ đã trở thành thương hiệu được du khách nhiều nơi biết đến. Bởi hương vị đặc trưng của thứ đặc sản này khiến cho ai đã từng một lần thưởng thức sẽ không khỏi ngạc nhiên, thích thú để rồi ngây ngất, khó quên.

Mắm cá ruộng

Bánh dày nhân vừng đen

Bánh dày là món ăn truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, bánh dày ở mỗi vùng miền lại có mùi vị, cách chế biến khác nhau thể hiện dấu ấn riêng của từng vùng. Trong đó, bánh dày nhân vừng đen của người Tày ở huyện Na Hang là một món ăn độc đáo không thể thiếu trong những ngày lễ, Tết .

Huyện Na Hang có trên 45 nghìn người, trong đó trên 51% dân số là dân tộc Tày sống tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong những món ăn truyền thống, bánh dày nhân vừng đen là món bánh không thể thiếu của người Tày trong ngày Tết Đắp nọi, lễ cúng mát nhà, cúng giỗ gia tiên, lễ hội, đám cưới... 

  1. Để làm nên loại bánh dày thơm ngon này, người Tày sử dụng gạo nếp nương, một loại gạo có một mùi thơm rất đặc trưng, hạt to, trong, không pha trộn với gạo tẻ. Nhân bánh được làm bằng vừng đen và đường trắng, tưởng chừng đơn giản nhưng lại làm nên sự thơm ngon của chiếc bánh bởi tính dẻo của gạo nếp đã hòa quyện với vị ngọt thơm của nhân bánh.
  2. Gạo làm bánh phải là gạo nếp nương thơm ngon, không được pha thêm gạo tẻ. Gạo được ngâm từ tối hôm trước đến sáng hôm sau vo lại rồi đồ cách thủy đến khi nếp chín đổ xôi ra giã nhuyễn. Muốn bánh ngon phải giã nhanh và đều tay, thường xuyên đảo cho khỏi dính. Nhân bánh làm từ vừng đen được rang chín, giã nhỏ, đường được canh lên rồi đổ vừng xuống đến khi hỗn hợp quyện vào nhau.
  3. Xôi nếp sau khi giã nhuyễn, nặn ra từng vắt bột dẻo dai, mềm mịn. Dàn đều nắm bột, rồi cho thêm nhân vừng đen vào vê tròn lại. Công đoạn nặn bánh phải thật nhanh để vỏ bánh không bị cứng, nhân bánh cũng không bị khô. Sau khi hoàn thiện, từng chiếc bánh thành phẩm được người làm gói cẩn thận vào lá chuối rừng tươi sau khi đã rửa sạch, hơ lửa để giúp bánh được mềm lâu, mặt bánh không bị se.
  4. Chính mùi vị thơm ngon, dẻo mà không bị dính đã làm nên đặc trưng của món bánh dày vừng đen. Vì vậy, ai đã ăn một lần sẽ nhớ mãi.
  5. Bên cạnh những chiếc bánh dày trắng quen thuộc, người dân nơi đây còn sáng tạo ra những chiếc bánh dày nhiều màu sắc như: Màu vàng từ củ nghệ, màu tím từ lá cơm tím, màu đỏ của quả gấc... càng tạo nên sự hấp dẫn đối với người thưởng thức. Hàng năm, trong Lễ hội Lồng tông của thị trấn Na Hang và các xã trên địa bàn huyện, những mâm cỗ bày tại Lễ hội luôn có bánh dày vừng đen vì theo truyền thuyết, bánh dày tượng trưng cho trời cũng như bánh chưng tượng trưng cho đất. Qua đó, thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Với những người con của mảnh đất Na Hang, bánh dày nhân vừng đen gợi cho họ biết bao kỷ niệm về tuổi thơ. Món ăn giản dị, đậm đà hương vị quê hương không chỉ là món ăn tinh thần, mà còn chứa đựng trong đó sự cần cù, chịu thương chịu khó của người dân nơi đây; là món quà quê ý nghĩa thể hiện nét đẹp văn hóa ẩm thực của người Tày Na Hang và ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

Bánh dày nhân vừng đen

Bánh dày nhân vừng đen

Bánh cuốn Tuyên Quang

Nhắc đến Tuyên Quang là nhắc đến miền gái đẹp nổi tiếng đã đi vào câu ca: "Chè Thái, gái Tuyên". Không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh núi non hùng vĩ và dòng sông Lô thơ mộng, Tuyên Quang còn được biết đến với những món ăn độc đáo. Trong đó, không thể không kể đến một món ăn đã "quyến luyến" biết bao du khách gần xa là món bánh cuốn.

Nếu như Hà Nội có bánh cuốn Thanh Trì, Cao Bằng có bánh cuốn thịt vịt, Tp, Hồ Chí Minh có bánh cuốn "Hạt gạo làng ta"… thì Tuyên Quang lại có món bánh cuốn bột lọc - chả viên rất đặc biệt. Để tạo nên món ăn có hương vị hấp dẫn như vậy thì công đoạn cũng lắm công phu. 

  1. Vỏ bánh được làm từ 3 loại gạo ngâm ủ qua đêm, sau đó xay ra và tráng ngay cho khách thì mới giữ được độ mềm, dẻo, nhưng vẫn dai và mỏng đúng yêu cầu. Nhân bánh, ngoài mộc nhĩ, nấm hương, ruốc thịt hay ruốc tôm thì còn được cho thêm một vài gia vị theo "bí quyết gia truyền"  để hương vị thêm hấp dẫn và lạ miệng.
  2. Người Tuyên Quang thường ăn kèm bánh cuốn với chả viên. Chả được làm từ thịt lợn địa phương, sau khi băm nhỏ sẽ trộn với nấm hương và mộc nhĩ, sau đó nắm thành viên nhỏ và rán chín trước khi ăn. Chả có mùi thơm ngậy nhưng không quá béo, ăn kèm với những miếng bánh thơm ngon quả thực là rất hợp.
  3. Nhiều người Tuyên Quang chia sẻ rằng, điều làm nên hương vị khác biệt và hấp dẫn của bánh cuốn Tuyên Quang chính là nước chấm. Theo chủ một cửa hàng bánh cuốn có thâm niên 20 năm, nước chấm phải là nước ninh xương. Nước sánh, đậm đà vị xương nhưng vẫn có cảm giác "dịu ngọt" của xương hầm khi nếm thử ở đầu lưỡi.
  4. Để tăng thêm vị ngon của nước chấm, người ta thường cho thêm hạt tiêu, ớt, chanh, hành khô chao mỡ và một chút lá mùi thái nhỏ. Tất cả tạo nên một bát nước chấm đặc biệt không lẫn vào đâu được.

Hiện tại, có rất nhiều quán bánh cuốn nổi tiếng ở Tuyên Quang. Tuy nhiên, những địa chỉ lâu năm thường được người địa phương và du khách ghé qua thưởng thức là: Bánh cuốn Minh "rạp" (gần rạp Tháng 8, TP Tuyên Quang), bánh cuốn bà Lìn gần đền Cảnh xanh, bánh cuốn Xã Tắc (TP Tuyên Quang), bánh cuốn Cầu Chả (Km số 5 Trung Môn, Yên Sơn), bánh cuốn Thảo (tổ 6 Phan Thiết)...

Đối với những người con xứ Tuyên, bánh cuốn không chỉ là món ăn đậm đà hương vị quê hương mà còn là một trong nét đặc sắc của ẩm thực quê nhà mà họ luôn tự hào khi nhắc đến.

Bánh cuốn Tuyên Quang

Bánh nếp nhân trứng kiến

Bánh nếp nhân trứng kiến (còn gọi Péng Lăng Lay) là một món ăn phổ biến ngày xuân của các gia đình người Tày ở Tuyên Quang. Để được nếm thử món dân tộc "độc", lạ này, du khách nên đến Tuyên Quang vào khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch, mùa người Tày thu hoạch trứng kiến đen.  

  1. Nói đến "trứng kiến", có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy "hơi ghê". Thực tế, không phải trứng kiến nào cũng ăn được. Chỉ có trứng của kiến đen, loại kiến có thân nhỏ, đuôi nhọn được cho là lành nhất, mới có thể dùng để nấu những món ăn ngon miệng. Loài kiến này thường làm tổ, đẻ trứng trên những cành không cao lắm ở cây ngõa, xoan, quế, găng, vầu. Để thu hoạch trứng kiến, không phải là chuyện dễ dàng. Người ta cần dùng một cái rổ có cán dài, buộc cỏ tranh để kiến không bò vào người. Sau đó, phải sàng sảy thật khéo để loại bỏ lá cây và tạp chất trong ổ kiến mà không làm trứng bị vỡ, nát.
  2. Người Tày dùng trứng kiến để làm nhân bánh. Người ta xào trứng kiến cùng hành phi, rau thì là thái nhỏ và nêm chút muối để miếng bánh đậm vị, hấp dẫn hơn. Công đoạn này cũng phải hết sức khéo léo, chỉnh độ lửa vừa phải để trứng không bị vỡ, nát, chảy sữa.
  3. Ngoài thành phần quan trọng và khó kiếm nhất là trứng kiến để làm nhân, người ta dùng bột gạo nếp nương để làm vỏ bánh, sau đó dùng lá vả để gói bánh lại, hấp cách thủy chừng 40-45 phút là chín.
Tuy trứng kiến không độc, nhưng có thể gây phản ứng phụ với tùy người. Nếu lần đầu thưởng thức, bạn nên cẩn thận thử một miếng nhỏ, xem mình có bị dị ứng không. Không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao, bánh nếp nhân trứng kiến của người Tày ở Tuyên Quang còn được ưa chuộng bởi hương vị vô cùng đặc biệt, độ dẻo thơm của nếp, mùi lá vả đặc trưng và vị trứng kiến bùi bùi, béo ngậy.

Bánh nếp nhân trứng kiến

Bánh nếp nhân trứng kiến

Gỏi cá bống sông Lô

Gỏi cá vốn là một trong những món ăn được rất nhiều người yêu thích. Và đặc biệt khi đến với mảnh đất Tuyên Quang, du khách sẽ được thưởng thức món gỏi cá bỗng Sông Lô và dù chỉ thưởng thức một lần thôi cũng khó lòng mà quên được hương vị đặc biệt của nó.

Cá bỗng là một loại cá nuôi nhiều ở sông Lô. So với nhiều loại cá khác, cá bỗng chậm lớn hơn. Phải nuôi khoảng 1 năm thì cá mới có trọng lượng khoảng 0.5 cho đến 0.7kg, nuôi từ 3 cho đến 4 năm thì đạt trọng lượng khoảng 3- 4kg, nuôi từ 5 cho đến 7 năm thì đạt trọng lượng lên đến 5 – 7kg. Cá bỗng thịt rất chắc và đặc biệt là rất lành tính, ăn không hề có mùi tanh và có giá trị dinh dưỡng rất lớn vì vậy được sử dụng nhiều để chế biến món ăn. Cá bỗng có thể chế biến thành rất nhiều món như nộm, gỏi, nướng hoặc là nấu canh chua, tuy nhiên món gỏi cá bỗng Sông Lô lại rất được ưa chuộng hơn cả. Có lẽ một phần là do cách chế biến món gỏi độc đáo của người dân Tuyên Quang. Với hương vị thơm bùi của thịt cá kết hợp cùng với gia vị mang đến một món ăn có đầy đủ vị chua, cay, mặn, ngọt và bất cứ ai một lần thưởng thức món ăn này cũng khó lòng mà quên đi hương vị đặc biệt của nó. Và đây cũng chính là một món ăn đặc sản mà du khách đến với Tuyên Quang đừng quên nếm thử.

  1. Để chế biến món gỏi cá bỗng Sông Lô thì trọng lượng cá phải đạt được từ 2.5kg cho đến 3kg với thời gian nuôi khoảng 1.5 – 2 năm, lúc này thịt cá chắc và làm gỏi thịt sẽ ngon và bùi hơn.
  2. Đầu tiên sẽ lọc lấy phần thịt cá và đem ngâm vào trong nước được chế biến từ quả tai chua. Và để cho phần thịt cá luôn có được màu trắng, trình bày lên đĩa cho thật đẹp mắt thì sẽ tiến hành cắt phần đuôi hay là phần gáy của cá bỗng để cho nó chảy hết máu, rồi đem rửa sạch cho ráo nước và ngâm vào trong nước quả tai chua.
  3. Điểm đặc biệt của món gỏi cá bỗng Sông Lô đó là không dùng thính gạo mà sẽ lấy nguyên phần xương cá rồi đem đi băm cho thật nhỏ, tiếp đến là rang vàng rồi lại tán cho thật mịn và đem trộn cùng với lạc rang đã được giã. Khi thưởng thức món gỏi cá bỗng sẽ ăn kèm cùng với các loại gia vị và các loại rau rừng như sung, sấu hoặc là vón vén…
  4. Nước chấm gỏi cá bỗng cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên hương vị đậm đà của món gỏi. Bên cạnh những gia vị quen thuộc khi chế biến nước chấm như tỏi, ớt, tiêu, chanh, muối rang và hành khô đã được nướng chín thì không thể thiếu hạt xẻn hay hạt dổi khi thưởng thức món gỏi cá bỗng Sông Lô này.
  5. Không còn gì tuyệt vời hơn khi gắp lấy một miếng thịt cá bỗng trắng phau, rồi đem lăn qua thứ bột vừa vàng lại vừa mịn được làm hoàn toàn từ phần xương cá, rồi cho thêm vào một vài hạt lạc rang cuốn trong loại lá rau rừng, và cuối cùng là đem chấm trong thứ nước chấm có đủ vị chua, vị cay, vị ngọt và ngọt bùi. Lúc này thực khách sẽ cảm nhận được trọn vẹn hương vị của món gỏi cá, đó là vị mát của phần thịt, vị bùi từ xương cá được băm nhỏ kết hợp cùng với vị chua, vị cay của ớt, chanh cùng rau rừng góp phần tạo nên một hương vị rất khó quên.
Trong số các món đặc sản của Tuyên Quang, món gỏi cá bỗng Sông Lô rất nổi tiếng vì vậy cho nên nếu có cơ hội về với mảnh đất Tuyên Quang, nhất định đừng bỏ qua món ăn độc đáo này. Bởi với cách chế biến độc đáo có một không hai, không sử dụng thính gạo mà hoàn toàn từ chế biến từ cá giúp thực khách cảm nhận trọn vẹn hương vị thơm bùi của cá bỗng Sông Lô.

Gỏi cá bống sông Lô

Cháo ấu tẩu

Tuyên Quang nằm cách Thủ đô Hà Nội 150km về phía Bắc, nơi bạn có thể hòa mình vào với núi rừng và cảm nhận hơi thở của thiên nhiên trong từng làn gió mát hay hương vị đặc trưng của các món ăn độc đáo miền sơn cước. Nơi đây còn có nhiều ngọn núi cao và những cánh rừng rộng lớn, chủ yếu là rừng nguyên sinh với rất nhiều cây gỗ quý và hơn 1.000 loại thuốc quý hiếm. Trong đó có củ ấu tẩu không chỉ dùng làm vị thuốc mà còn được người dân nơi đây chế biến thành một món ăn độc đáo: Cháo ấu tẩu.


Củ ấu tẩu còn có tên gọi là ô đầu và phụ tử, củ ấu tẩu thường mọc ở vùng núi cao, khí hậu lạnh. Theo y học ấu tẩu có vị cay tê, tính nóng, có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Từ lâu đồng bào dân tộc ở vùng cao đã biết dùng củ ấu tẩu ngâm xoa bóp chân khi đau nhức hoặc chữa cảm gió rất hiệu quả. Bát cháo ấu tẩu ban đầu chỉ được biết đến như món cháo giải cảm của đồng bào dân tộc vùng cao. Sau này, người dân thành phố đã thêm một số gia vị, phụ gia khác, nấu thành món cháo "đặc sản" của miền núi, ăn ngon miệng lạ lùng.

  1. Bản chất củ ẩu tấu rất độc, muốn giảm bớt độc tính phải có bí quyết. Thông thường người ta ngâm kỹ ấu tẩu trong nước vo gạo một đêm, rửa sạch đem ninh cho tới khi mềm. Củ ấu tẩu phải nấu trong 12 giờ để củ bở tơi thành thứ bột đặc sền sệt. Bột củ ấu tẩu được nấu lẫn gạo và nước dùng ninh từ chân giò lợn. Phải nấu lâu như vậy là để khử độc tố có trong củ ấu. 
  2. Đồng bào vùng cao thường chọn gạo tẻ, nếp cái trồng trên nương ninh với chân giò lợn trong 4 tiếng… qua một số công đoạn công phu mới có được bát cháo ấu tẩu hoàn hảo. Cuối cùng khi bắc ra đập trứng gà, cho thêm ớt, tiêu, hành, rau mùi và tía tô tăng thêm tác dụng giải cảm của bát cháo. Người dân trong vùng thường gọi vui là món "Cháo độc dược" nhưng thực tế khi được chế biến thành cháo, ăn vào không chết người mà còn có ích cho sức khỏe.
  3.  Cháo nấu xong mang sắc nâu đậm, nhìn giống bát cháo lòng của người miền xuôi, vị bùi, béo và thơm đặc biệt. Vì là vị thuốc nên đặc trưng của cháo ấu tẩu là vị đắng như tam thất. Tuy nhiên cái đắng hòa cùng miếng ấu tẩu bùi, dẻo, quyện với cái ngọt của nước xương ninh và thơm ngậy của trứng đọng lại thành hương thơm, vị ngọt ngào trong cổ, tạo cảm giác lạ miệng và hấp dẫn.

Cháo ấu tẩu có cả bốn mùa nhưng đặc biệt chỉ bán vào buổi tối. Bởi lẽ theo kinh nghiệm lâu năm của những người dân ở đây cháo có tác dụng tốt nhất qua giấc ngủ đêm. Với nhiều người dân ở thành phố vùng cao này cháo ấu tẩu là món ăn đêm thường nhật. Tối tối khi nhà nhà lên đèn cũng là lúc hàng cháo ấu tẩu tấp nập khách ra vào. Đó có thể các bác luống tuổi ăn cháo để bồi bổ xương cốt, là khách đi chơi khuya, là dân buôn bán tứ xứ… nhưng dù là đối tượng nào bát cháo ấu tẩu cũng như vị thuốc thần giúp xoa tan mệt nhọc của một ngày để có một giấc ngủ sâu và khoan khoái hơn.

Cháo ấu tẩu

Nguồn: https://topchuan.com/top-8-dac-san-am-thuc-ngon-nhat-tai-tuyen-quang/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét