Hội chùa Keo Hành Thiện
Lễ hội chùa Keo Hành Thiện được tổ chức vào rằm tháng 9 âm lịch hằng năm, tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.Chùa Keo Hành Thiện từ lâu đã nổi tiếng bởi cảnh quan đẹp, không gian yên tĩnh. Chùa tọa lạc trên một khu đất rộng, bằng phẳng gần sông Hồng và sông Ninh Cơ.
Lễ hội gồm: Lễ dâng hương, cầu cúng, tụng kinh, múa rồng, đua thuyền trên sông Hồng. Đối tượng suy tôn: Đức Phật và thiền sư Không Lộ người giỏi chữa bệnh lại giỏi cả thơ văn, ông tổ nghề đúc đồng, nhà kiến trúc tài giỏi có công phò vua giúp nước.
Phía trước Tam quan có hồ bán nguyệt và hòn non bộ theo thế tam sơn, long chầu hổ phục; trên bờ có đôi voi đá khổng lồ, quanh chùa là hàng cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm.
Gác chuông trước cửa chùa là kiến trúc tam quan nội 5 gian, làm theo kiểu chồng diêm cao 7,5m gồm có 8 cột đại trụ và 16 cột quân được đặt trên đá tảng chạm khắc hoa văn, cảnh hoa sen mang đậm phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê.
Sau gác chuông là cụm kiến trúc trung tâm gồm tiền đường 5 gian, tòa đệ nhị 3 gian, tòa đệ nhất 3 gian thờ Phật và Thiền sư Không Lộ.
Các nghệ nhân xây dựng chùa đã dồn toàn bộ trí lực tài hoa để tạo dựng và thể hiện những đường nét chạm khắc tinh vi trên các mảng đố, xà, bảy, kẻ của từng tòa nhà. Ở 3 bộ cửa ô tiền đường chùa Phật, mỗi cánh cửa được chạm gỗ với đề tài khác nhau. Kỹ thuật chạm gỗ bong kênh ở mặt tiền hai gian tòa tiền đường đã đạt tới trình độ cao với đề tài vô cùng phong phú: Long cuốn thủy, ly ngậm ngọc, phượng ngậm cành hoa, tứ linh, nghê đội nóc đao...
Đặc biệt hình rồng được thể hiện lúc ẩn, lúc hiện ở các trạng thái khác nhau với những đường nét khắc họa tinh vi, sắc sảo, sống động và mềm mại theo phong cách dân gian vùng châu thổ sông Hồng. Sau thờ Phật là đền Thánh thờ Thiền sư Không Lộ với 3 tòa quy mô được cấu trúc theo kiểu "Thượng bò cuốn hạ kẻ bẩy và kẻ nội đấu truyền" với trạm khắc hoa văn công phu, tỷ mỷ.
Cuối cùng là mười gian nhà Tổ và nhà oàn, nhà ký đồ với kiến trúc 3 gian và hai bên chùa là dãy hành lang gồm 80 gian khép kín càng tạo nên vẻ trang nghiêm, bề thế của tổng thể kiến trúc. Ngoài vẻ đẹp kiến trúc, trong chùa còn lưu giữ, bảo tồn những di vật có giá trị của thời Hậu Lê như án thư, sập thờ, tượng pháp, khánh, văn bia cổ, hoành phi, câu đối, cửa hãn...
Hàng năm, tại chùa có hai lần mở hội. Đó là Hội xuân vào dịp tết Nguyên Đán và hội tháng 9 mở vào ngày 13,14,15 để kỷ niệm ngày sinh của thánh tổ Không Lộ.
Hội xuân gồm các trò chơi bắt vịt, thi ném pháo, thi nấu cơm và các hình thức văn nghệ dân gian khác. Hội tháng chín được tổ chức trọng thể, ngoài những nghi thức lễ tiết mang tính tôn giáo, hội tháng chín còn là nơi hội tụ của những sinh hoạt văn hoá tinh thần của cư dân nông nghiệp. Chính vì vậy, vào ngày hội nhân dân không những trong vùng mà cả trong Nam ngoài Bắc đều nô nức kéo nhau về tụ hội:Dù cho cha đánh mẹ treoEm không bỏ hội chùa keo hôm rằm.
Độc đáo nhất trong lễ hội là môn đua thuyền trải: có 15 xóm trong làng tham gia đua thuyền hay gọi là bơi trải, có tất cả 10 người trên thuyền trong đó có 1 người lái thuyền. Bơi trải ở Chùa Keo Hành Thiện Nam Định khác với các nơi khác, họ không ngồi bơi mà 10 người đểu đứng để chèo.
Bắt đầu xuất ở trong sông con là sông làng khoảng 5-6km rồi bắt đầu ra đến sông Ninh Cơ nhánh của sông Hồng, bơi 3.5 Vòng sông rồi quay về bắt Têu trong sông con nếu đội nào về đầu thì sẽ dành giải nhất. Trung bình mỗi cuộc thi bơi trải diễn ra từ 3.5 - 4 h đồng hồ). Đây là môn thi đấu cổ truyền rất tuyệt vời đáng được ghi nhớ cũng như lưu trong sử sách của Dân tộc ta. Nơi đây hàng năm đã đón nhiều đoàn khách và nhân dân khắp nơi về thăm quan, văn cảnh, đồng thời thăm nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh, nhà cách mạng suất sắc, người con ưu tú của quê hương Hành Thiện.
Nhà lưu niệm cố Tổng Bí Thư Trường Chinh
Di tích nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh ở thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường.Tồng bí thư Trường Chinh là người học trò suất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người con ưu tú của quê hương Nam Định.
Tổng bí thư Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu sinh ngày 9/2/1907, trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học. Ông nội là Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng , một sĩ phu yêu nước, thân phụ là Đặng Xuân Viện một người có trình độ học vấn cao và luôn say mê nghiên cứu. Nhà lưu niệm Tổng bí thư Trường Chinh trước đây là ngôi nhà được ông nội xây dựng năm Nhâm Dần niên hiệu Thành Thái thứ 4 (1902), cho người con trai của cụ là ông Đặng Xuân Viện ( Bốn Đễ). Tổng bí thưTrường Chinh là con trai cả của ông Đặng Xuân Viện được sinh ra và lớn lên rồi xây dựng gia đình cũng chính tại ngôi nhà này.
Ngôi nhà lưu niệm là nơi lưu giữ nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trường Chinh suốt từ năm 1928 đến thời kỳ chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954). Nơi đây có thời kỳ đã từng là cơ sở in tài liệu, sách báo, tuyên truyền phục vụ cách mạng. Đồng thời còn là nơi nuôi giấu đồng chí Trường Chinh trong những lần về hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng tại quê nhà.
Nhà được làm bằng gỗ lim quay về hướng nam trên một khu đất rộng 531m², có 5 gian, bộ vì kèo làm kiểu thượng chồng rường hạ bẩy kẻ, mái lợp ngói nam và hệ thống tường hồi, tường hậu được xây gạch thất. Trong số 5 gian nhà, 2 gian buồng phía Đông và phía Tây có bức vách thuận ngăn cách với 3 gian phòng khách ở giữa. Trước đây bức thuận có ngưỡng cao, lắp cánh cửa ô, từ năm 1944 được thay thế bằng cánh cửa quân bài và hệ thống ngưỡng cũng được hạ thấp tạo nên không gian rộng rãi. Phía trước có tường hoa, sân gạch và một ao nhỏ nằm sát ở phía ngoài đường giong. Bờ ao có một số cây lưu niên. Giáp đường là hàng dậu bằng tre được xén ngay ngắn. Lối vào là cổng gạch được xây dựng khá cổ kính.
Đặc biệt sau những năm đồng chí Trường Chinh, nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, nhà cách mạng, nhà tư tưởng lớn của Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Đảng bộ và nhân dân Nam Định phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống uống nước nhớ nguồn, bằng những việc làm thiết thực đã ra sức tôn tạo, giữ gìn khu nhà lưu niệm ngày một khang trang hơn. Hiện nay khu nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh có các hạng mục sau: Nhà lưu niệm (nhà thờ), nhà khách, nhà lợp bổi được phân bổ theo tòa ngang dãy dọc có sân vườn, cây lưu niên, ao nước nhỏ được bao bọc trong tường xây dậu trúc khép kín mạng đậm phong cách truyền thống.
Đền Xuân Hy
Đền Xuân Hy hay còn gọi là Đền Hạ nằm ở cuối làng Xuân Hy thuộc Xã Xuân Thủy, huyện Xuân Trường. Đền Xuân Hy được xây dựng để thờ Đại Đức- Ngô Miễn – người đã có công tổ chức khai hoang lấn biển, xây dựng thôn ấp.Ngô Miễn Tên hiệu là Đại Đức, sinh năm Tân hợi đời vua Trần Nghệ Tông (1371), quê ở thôn Mai, xã Xuân Phương, huyện Kim Hoa, xứ Kinh Bắc nay là phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên. Ngay từ nhỏ Ngô Miễn đã là người thông minh, tuấn tú, tính cách khoan hòa. Tuy xuất thân từ một gia đình giàu có và quyền thế nhưng đối với mọi người, ông rất khiêm nhường, hòa nhã. Năm 20 tuổi, ông đỗ Thái học sinh dưới triều vua Trần Thuận Tông (1388 – 1398) nhưng ông không ra làm quan vì chính sự nhà Trần đang ở vào thời kỳ suy thoái. Ông về quê (Kinh Bắc) mở trường dạy học và dành thời gian đi tới nhiều nơi. Đi tới vùng biển Sơn Nam thuộc phủ Thiên Trường. Ông thấy có nhiều bãi bồi màu mỡ mà chưa có người khai phá nên Ông đã tâu xin với triều đình đưa 10 dòng họ: Ngô, Đỗ, Trần, Hoàng, Nguyễn, Phạm, Vũ, Đinh, Đào, Tạ, từ quê hương Xuân Mai xuống lập Ấp mới tại phủ Thiên Trường. Mười dòng họ dưới sự chỉ đạo của Ngô Miễn đã vật lộn với sóng biển, lau lách, sinh lầy, đắp đê ngăn nước mặn, lấy nước ngọt cho đồng ruộng. Chỉ trong một thời gian ngắn từ 1392 đến 1396 ông đã cùng nhân dân khai khẩn được trên 200 mẫu ruộng lập ra "Tân ấp"- xã Nhật Thi (lấy tên quê gốc); tới năm 1721 xã được đổi thành Nhật Hy.
Năm 1880 Nhật Hy chia thành 2 Xã: Xuân Hy Thượng và Xuân Hy Hạ, tới năm 1897 Xuân Hy Thượng được đổi thành Xã Xuân Hy. Hiện nay, Xuân Hy là một làng (thôn) của Xã Xuân Thủy, Huyện Xuân Trường, Tỉnh Nam Định.
Khi Hồ Quý Ly lên ngôi Hoàng Đế, biết rõ tài đức của Tiến sĩ Ngô Miễn nên đã cho vời Ông ra làm quan giúp triều đình. Năm 1400, Ngô Miễn ra làm quan dưới triều Hồ, giữ chức "Nội thái giám quân Thiên Cương"- Người chỉ huy đội quân của triều đình ở Tây Đô. Năm 1406, ông được phong chức "Hành Khiển Hữu Tham tri chính sự", vừa trông coi chính sự trong triều, đồng thời bảo vệ các lăng tẩm, giữ gìn an ninh cho nhân dân trong kinh thành.Trong 6 năm làm quan dưới triều Hồ, ông là người có tài năng đức độ, liêm khiết có nhiều đóng góp cho việc cải cách xã hội. Không những thế, ông còn cùng vua quan nhà Hồ tổ chức nhân dân nhiều lần chống giặc ngoại xâm. Nhưng vì lúc đó triều đình nhà Hồ mới xây dựng, chưa vững chắc trong lòng dân nên việc quy tụ, tập hợp lực lượng chưa đủ mạnh để chống lại giặc Minh. Năm Đinh Hợi (1407) ông cùng quân dân nhà Hồ đánh trả quyết liệt với giặc tại vùng đất miền Trung (Hà Tĩnh ngày nay). Trước thế giặc mạnh, lực lượng của ta dần dần tan vỡ, xong ông vẫn chống trả đến cùng. Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan không cam lọt vào tay giặc Ông đã cùng Kiều Biều nhảy xuống cửa biển Kỳ La (Hà Tĩnh) tuẫn tiết. Đó là ngày 12 tháng 5 năm Đinh Hợi (1407), lúc đó ông mới 36 tuổi. Được tin về cái chết vẻ vang của chồng, vợ ông là bà Nguyễn Thị Lệnh cũng nhảy xuống sông tuẫn tiết để giữ trọn khí tiết của chồng.
Dân làng Nhật Thi trên đất phủ Xuân Trường xưa (Nay là làng Xuân Hy, xã Xuân Thủy, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) tôn tướng công Ngô Miễn – Người đầu tiên khai sáng vùng đất này là thành hoàng làng và lập đền thờ ngưỡng vọng đến muôn đời. Không những thế đền Xuân Hy còn thờ cả Quận Công Đỗ Nhân Tăng(1664-1729). Người cùng quê với tướng quân Ngô Miễn. Ông khỏe mạnh, rất thông minh, là bậc văn – Võ toàn tài, làm quan dưới triều vua Lê Huy Tông (1676 – 1706)và nhiều lần xuống thăm Tân Ấp. Khi Tân Ấp bị ngập lụt, vỡ đê...ông đã bỏ tiền ra giúp dân củng cố đê điều, khai hoang, phục hóa, đắp thêm đê mới, bồi trúc đê cũ, thau chua, rửa mặn, tu sửa lại xóm làng, đền chùa..Vì vậy mà khi ông mất dân làng Xuân Hy (Tân Ấp)đã lập bài vị và hương án thờ ông trong đền. Như vậy đến nay đền Xuân Hy thờ tướng quân Ngô Miễn và Quận Công Đỗ Nhân Tăng.
Đền Xuân Hy được tọa lạc trên một khu đất rộng, nằm ở cuối làng, xung quanh là cánh đồng lúa bao bọc. Trước Đền là một hồ rộng, hình chữ nhật, xung quanh hồ là hàng nhãn cổ thụ xum xuê. Trước đền là sân đền rộng để làm nghi lễ. Phần chính của khu đền hiện nay gồm: Bốn gian tiền đường; Ba gian trung đường và một gian hậu cung. Trải qua thời gian dân làng tu sủa để bảo tồn nhưng vẫn giữ nét cổ kính và mang nhiều dấu ấn của kiến trúc Nguyễn.
Dân làng Thi lấy ngày 21/8 Âm lịch - ngày Ngô Tướng Công di dân lập Ấp là ngày hội làng. Lễ hội được tổ chức vào 3 ngày 20, 21 và 22 tháng 8 âm lịch. Trong lễ hội có các trò " kéo mót lấy lửa thổi cơm thi, bơi trải nam, nữ quanh làng" các trò chơi rất hấp dẫn thu hút các xã lân cận cùng đến tham gia lễ hội.
Nhà thờ Bùi Chu
Nhà thờ Bùi Chu là một nhà thờ của đạo Kitô nằm trong địa phận xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Bùi Chu là nhà thờ chính tòa của giáo phận Bùi Chu.Nhà thờ Bùi Chu được xây dựng dưới thời Pháp thuộc, là một trong những nhà thờ nổi tiếng và lâu năm nhất nhì tỉnh Nam Định. Hàng năm thường có rất nhiều du khách thập phương về thăm nhà thờ và chiêm ngưỡng những nét kiến trúc tiêu biểu, đồng thời tìm hiểu lịch sử vùng giáo xứ Bùi Chu.Hiện nay đã có nhiều thay đổi. Hàng năm vào ngày 8 tháng 8, ngày lễ quan thầy của giáo phận, có nhiều giáo dân tập chung về Bùi Chu dự lễ.
Chùa Nghĩa Xá
Chùa Nghĩa Xá (Chùa Viên Quang) là một di tích có quy mô rộng lớn, bề thế. Nội công ngoại quốc, trên khu đất rộng khoảng 500m2. Chùa đã được di chuyển và sửa chữa nhiều lần nhưng dấu ấn thời kiến trúc thời Hậu Lê còn in khá đậm nét trong phong cách xây dựng và phong cách trạm khắc như 2 bộ cánh cửa nhà Tiền Bái; hàng chục chân tảng đá hoa sen khu mộ tháp bằng đá... ở đây còn tấm bia thời Lý khắc năm 1122 là một trong những tấm bia quý hiếm ở địa phương. Ngoài ra ở chùa còn ba cỗ kiệu Bát cống, nhiều nhang án và sấu gỗ trạm khắc thời Hậu Lê có giá trị về mặt nghệ thuật. Chùa Nghĩa Xá còn có một thắng cảnh nhiều người biết đến.Theo tấm bia cổ nhất hiện còn lại tại di tích khắc năm Thiên Trù Duệ Vũ thứ ba (1122) thì khu chùa này lúc có ở Giao Thuỷ Vạn. Các cụ cao tuổi ở địa phương cho biết địa danh đó nằm ở phía trên phà Tân Đệ (thành phố Nam Định) khoảng 15 km. Theo văn bia khắc năm thứ 2 đời vua Đồng Khánh (1888) thì tương truyền kỳ còn ở Giao Thuỷ Vạn, quy mô chùa rất lớn với 36 toà, hàng trăm gian. Cũng theo bia này, về sau do sự đổi dòng của Sông Hồng, chùa có nguy cơ bị quấn đi nên chuyển chùa về xứ Bát Dương (nay thuộc khu vực xã Vũ Phong, Vũ Hợp huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình) cũng ở ven Sông Hồng.
Sau đó chùa lại bị dòng sông làm sụp nở, do vậy tháng 3 năm thứ 19, đời vua Tự Đức (1867) lại chuyển chùa về khu đất hiện nay. Tháng 5 năm thứ 20, đời vua Tự Đức thì dựng xong như quy cách cũ. Tháng 8 cùng năm thì bị bão lớn làm bay ngói đổ tường, ngôi chùa phải tu sửa đến tháng 12 cùng năm thì hoàn thành.
Chùa hiện nay thờ Phật và các vị Thánh Tổ. Nguyên trước chùa thờ cả Thiền Sư Tuệ Tĩnh. Theo các cụ ở địa phương, trước năm 1949 chùa rất nhiều tượng phật, sau bị giặc Pháp huỷ hoại. Hiện nay, gian tiền bái thờ tượng Phổ Hiền và Quan Công gian đọ nhị có toà Cửu Long gian Thượng Điện thờ bốn pho tượng Quan Âm, một pho tượng A Di Đà ngồi tư thế toạ thiền. Phía trên cùng của thượng điện thờ 3 tượng tam thế. Nếu nhìn từ ngoài vào thượng điện thì gian bên cạnh (phía phải). Có bài vị thờ vua Lý Thần Tông, gian tiếp cạnh có bài vị thờ Lục Thượng Thái Sư. Cạnh tượng điện về phía trái có bài vị thờ Giác Hải thiền sư và một gian giáp cạnh có bài vị thờ Nguyễn Minh Không. Phía sau toà thượng điện này có 4 gian (lợi dụng mái thượng điện) có 4 pho tượng tương ứng những người được thờ bài vị ở phía ngoài.
Trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, ở di tích đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ. Năm 1946, thực dân Pháp quay lại xâm chiếm nước ta một lần nữa, chùa Nghĩa Xá là nơi dân quân nằm nghỉ, tập luyện hàng năm trời. Cũng trong thời gian này nhà sư Nguyễn Thanh Tác trụ trì tại chùa đã cởi áo Cà Sa tham gia vệ quốc đoàn để chống lại thực dân Pháp.
Thời kỳ năm 1947 – 1948, chùa Nghĩa Xá là nơi tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Nam Định liên tục đi về để tổ chức cuộc mít tinh quần chúng. Có những cuộc mít tinh lớn như cuộc mít tinh lực lượng 3 huyện miền nam tỉnh: Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu. Nhân kỷ niệm ngày quốc tế lao động mùng 1/5/1950 lá cờ Đảng đã tung bay trên gác chuông chùa mặc dù lúc này nơi đây vẫn còn vùng địch tạm chiếm.
Chùa Nghĩa Xá (Viên Quang) là một trong những di tích có giá trị của tỉnh Nam Định. ở đây còn văn bia đời Lý là một trong những bia quý hiếm về nghệ thuật, kiến trúc nhìn tổng thể chùa Nghĩa Xá có quy mô rộng lớn, kiến trúc thời Hậu Lê còn lưu giữ được khá nhiều. Với một vùng đất sa bồi thuộc tỉnh Nam Định, có được kiến trúc như ở đây là điều rất đáng quý.Trong di tích còn lưu giữ tới ba cỗ kiệu Bát, ba nhang án và ba bài vị thời Hậu Lê, khu mộ tháp bằng đá, mô hình tháp đất lung, bốn pho tượng Thánh Tổ cùng với tượng Quan Công, Phổ Hiền bằng đồng…
Hàng năm vào ngày 1/3 âm lịch chính quyền địa phương và nhân dân xã Xuân Ninh lại long trọng tổ chức lễ hội truyền thống nhằm tôn vinh ý nghĩa lịch sử văn hoá của khu di tích, đồng thời qua đó cũng khơi gợi ý thức tự hào của nhân dân địa phương và lòng hảo tâm của khách địa phương trong và ngoài xã để sửa sang và tôn tạo cho khu di tích ngày một khang trang hơn, sạch đẹp hơn.
Đền Thọ Vực
Đền Thọ Vực nằm ở xã Xuân Phong, huyện Xuân Trường được xây dựng từ xa xưa. Đến năm 1848 niên hiệu Tự Đức có làm to, cao lên. Nhân dân góp phần xây dựng hoàn chỉnh ngôi đền, làm bằng gỗ lim, lợp ngói nam. Năm 1885, làng đã để ruộng ở xứ Tiên Thổ để nhang đăng và tổ chức lễ hội. Đầu thế kỷ XX, đền được xây dựng lại to cao như ngày nay, chất liệu gạch ngói bê tông, hoàn thành vào năm 1924 do cụ Hàn Hiệt thiết kế và thi công.Chùa Thọ Vực được xây dựng và hoàn thành vào tháng 3 năm 1724 niên hiệu Bảo Thái. Cũng sang đầu thế kỉ XX, Hoà thượng Thích Tâm Tín đã quyên góp tiền xây dựng to như ngày nay. Riêng tam quan trong trận bão ngày 24/6/1929 đã bị đổ, Hoà thượng đã cho xây cao lên 3 tầng.
Đền chùa Tho Vực là một quần thể di tích có quy mô thiết kế theo phong cách cổ. Các hoạ tiết, văn bia, câu đối và phù điêu cổ kính. Đặc biệt nơi đây còn giữ được nhiều đồ thờ, tượng Pháp có giá trị nghệ thuật cao, được làm bằng gỗ, đồng, gang mà còn ít nơi nào bảo lưu được.Đền chùa Thọ Vực là một quần thể di tích có giá trị. Đền thờ 5 vị thánh, thần - những người có công ngăn trừ tai hoạ, khai thiên lập địa, tiếng thiêng hiển hách. Khám phía Tây thờ Nam Hải Đại Vương (Thục Phán An Dương Vương thứ 18) và thánh Trân Thái Chưỡng phu nhân (đệ tam cung phi), người là con 1 vũ công ở làng Vạn Lộc. Khám phía Đông thờ tướng công Đông Hải. Gian giữa bên ngoài chính thờ 2 vị Thần Hoàng làng.
Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thời kì tiền khởi nghĩa, đền chùa Thọ Vực là nơi hội họp, hoạt động của các tổ chức Cộng sản trong cuộc kháng chiến chống Pháp; nơi tập bắn súng, ném lựu đạn của các du kích làng; nơi ẩn náu của cán bộ trong các trận càn…
Chùa Xuân Trung
Chùa Xuân Trung nằm ở xã Xuân Trung.Chùa tên chữ là Linh Quang tự (chùa Linh Quang) thuộc xã Xuân Bắc, huyện Xuân Trường. Căn cứ theo tư liệu "Trà Lũ xã chí" do Cử nhân Lê Văn Nhưng biên soạn vào đời vua Khải Định năm thứ nhất (1916) thì chùa Xuân Trung được khởi dựng vào năm 1720 thời vua Lê Dụ Tông. Người có công lao đầu tiên trong việc xây dựng chùa là ông Đào Công Canh, quê làng Nguyệt Giám xã Minh Tân huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình.Ngôi chùa ban đầu có quy mô kiến trúc nhỏ bé, mái lợp bổi, tường bao quanh đắp đất. Năm 1785, chùa Xuân Trung mới chính thức được xây dựng một cách khang trang. Đến đời vua Gia Long năm thứ 2 (1803), chùa đã có một quy mô bề thế, lớn trên 80 gian lớn nhỏ. Bài minh văn trên khánh đá soạn khắc vào đời vua Tự Đức năm thứ 33 (1880), hiện treo tại gác khánh đã ca ngợi cảnh đẹp của chùa như sau: "Chùa Linh Quang nằm ở thôn Trung, xã Trà Lũ, huyện Giao Thủy, phủ Xuân Trường là một thắng cảnh đẹp trong vùng, là nơi muôn màu tụ hội".
Qua bao thời gian hình thành và phát triển, chùa Xuân Trung luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng thế hệ nhà sư và nhân dân địa phương quan tâm bảo tồn, tôn tạo.Chùa Xuân Trung hiện nay, ngoài thờ Phật còn thờ Thiền sư thời Lý là Nguyễn Minh Không (1076-1141). Thiền sư quê ở Đàm Xá (Điềm Xá) thuộc đất Tràng An, tên thật là Nguyễn Chí Thành. Thuở nhỏ làm nghề đơm đó, sau ngài xuất gia đi tu ở chùa Quốc Thanh, lấy hiệu là Minh Không. Nguyễn Minh Không là người có trình độ học vấn uyên thâm nổi tiếng về pháp thuật, có xu hướng tu mật giáo: "Có phép lạ bay trên không, đi trên mặt nước, hàng long phục hổ".
Truyền thuyết kể lại rằng: Vua Lý Thần Tông mắc bệnh lạ, tâm thần rối loạn, mình mẩy loang lổ, miệng luôn gầm rú như một mãnh hổ. Các vị danh y đều bó tay, Quốc mẫu, Hoàng hậu đều lo sợ. Nghe tiếng tăm của Thiền sư Không Lộ, Quốc mẫu đích thân mời ngài về cung chữa bệnh. Thiền sư dùng pháp thuật chữa khỏi bệnh cho vua. Vua phong ngài làm Quốc sư và ban nhiều bổng lộc.Công trình kiến trúc chùa Xuân Trung hiện nay được xây dựng theo kiểu "nội chữ đinh ngoại chữ quốc", mặt quay về hướng tây trên một diện tích 6125m2.
Tổng thể công trình gồm nhiều hạng mục, quy mô đồ sộ, bề thế còn bảo lưu được nhiều nét kiến trúc nghệ thuật thời hậu Lê thế kỷ XVII - XVIII.Nằm về phía trước chùa là hệ thống tam quan xây kiểu chồng diêm hai tầng bốn mái, lợp ngói nam. Hai bên tam quan còn có gác chuông và gác khánh, được xây theo kiểu "cổng làng" với các đao góc uốn cong mềm mại.Sau tam quan, qua một sân rộng lát gạch đỏ sạch sẽ là đến chùa chính. Công trình làm kiểu chữ đinh gồm bái đường 5 gian dài 13m, rộng 8,70m, tam bảo 5 gian dài 12m, rộng 5,30m. Bộ khung của công trình được làm bằng gỗ lim theo kiểu "giá chiêng" với các cấu kiện: câu đầu, quá giang, xà nách, bẩy tiền, bẩy hậu đều gia công theo dạng tròn. Đây là một nét đặc biệt trong kiến trúc của thời Hậu Lê thế kỷ XVII - XVIII còn bảo lưu được tại di tích.Bên cạnh chùa chính còn có đền thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không, phủ thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh, phía sau là nhà tổ và bao quanh là hệ thống nhà khách, tăng phòng... Tất cả đã tạo thành một tổng thể khép kín hoàn chỉnh đã làm tăng thêm giá trị kiến trúc nghệ thuật cho khu di tích.Từ những giá trị tiêu biểu về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, chùa Xuân Trung xã Xuân Bắc đã được Bộ Văn hóa -Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật.
Nguồn: https://topchuan.com/top-10-dia-danh-noi-tieng-o-xuan-truong-nam-dinh/