Tham gia các buổi tư vấn
Bằng cách tham gia các buổi tư vấn cá nhân, bạn có thể dễ dàng bày tỏ cảm xúc nhạy cảm và thầm kín liên quan đến ung thư cũng như các ảnh hưởng của nó lên cuộc sống hay các mối quan hệ của bạn. Ngoài ra, các nhà tư vấn tâm lý luôn cố gắng đề xuất một kế hoạch điều trị phù hợp với từng bệnh nhân cụ thể. Kế hoạch này sẽ giúp bạn lấy lại cân bằng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Chẳng hạn như với những người bị trầm cảm trong thời gian mắc bệnh thì họ có thể sử dụng thêm một số loại thuốc kê đơn kèm với thuốc điều trị ung thư.
Lạc quan và phải luôn luôn lạc quan
Bạn có biết: " Sức khỏe tinh thần – yếu tố quyết định trong điều trị ung thư"? Vâng, yếu tố tinh thần đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị ung thư, cũng như là yếu tố tác động lớn đến thời gian sống của người bệnh. Có những người biết mình bị bệnh nhưng vẫn lạc quan sống khỏe thêm một thời gian rất lâu, nhưng có người lại lao dốc không phanh đến mức không kéo dài được đến tháng thứ 3. Nhiều người có thể bảo rằng cơ sở vật chất và chi phí chữa bệnh mới là yếu tố quyết định, nhưng sự khác biệt về thời gian sống lại chính từ tâm người bệnh mà ra. Chính vì thế, hãy luôn lạc quan và vui vẻ, đừng để nỗi sợ giết chết chính bạn.
Thay vì để suy nghĩ 'khi nào mình sẽ chết' luẩn quẩn trong đầu, hãy dành thời gian làm những thứ mình thích và thử sức với những thứ chưa từng làm. Trồng hoa, nấu ăn, đan len, tập thêu thùa may vá đối với các bạn nữ, hay thử một chuyến du lịch xa, thử làm một món đồ handmade,... cũng rất thú vị đấy. Hãy sống cho bản thân mình, sống như thể không có ngày mai vì bạn biết đấy câu hỏi 'khi nào mình sẽ chết' không có đáp án chính xác vì đến ngay cả bác sĩ cũng không thể biết rõ điều này, để rồi lo lắng đến mất ăn mất ngủ và ảnh hưởng đến sức khoẻ. Tại sao bạn lại phải mất thời gian lo lắng cho thứ mình không kiểm soát được, đúng không?
Giảm căng thẳng trong khi chiến đấu với ung thư
Bạn nên giữ một thái độ tích cực và chấp nhận một sự thật rằng sẽ có những việc xảy ra bất ngờ khiến bản thân không thể kiểm soát được. Ngoài ra, việc giữ vững cảm xúc, ý kiến và niềm tin của mình thay vì giận dữ, buồn bã là vô cùng quan trọng.
Hơn nữa, việc tập thể dục trong thời gian trị bệnh, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý là vô cùng cần thiết. Cơ thể có thể chống lại sự căng thẳng tốt hơn khi bạn có sức khỏe ổn định. Cho dù có căng thẳng đến mức nào, bạn cũng tuyệt đối không được uống rượu hoặc dùng các chất kích thích để xoa dịu tâm trạng của mình.
Tự tìm hiểu kiến thức về tình trạng bệnh ung thư của bản thân
Đừng ngại hỏi bác sĩ, y tá hoặc chuyên viên y tế để hiểu kĩ lưỡng về các thủ thuật hoặc thuật ngữ y tế. Họ sẽ luôn sẵn lòng trả lời các câu hỏi cũng như giải quyết các mối bận tâm của bạn. Hiểu thêm về bệnh của bản thân sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn với việc điều trị.
Hơn nữa, bạn cũng đừng quên hỏi gia đình và bạn bè để cùng nhau sàng lọc các thông tin. Ngoài ra, việc trao đổi, thảo luận cùng với bệnh nhân khác và gia đình của họ về ung thư cũng như các phương pháp điều trị cũng là một cách hiệu quả.
Cần một người luôn ở bên
Người đó có thể là bố mẹ, là anh chị em, là người yêu, là bạn bè, hãy tâm sự và chia sẻ suy nghĩ với họ. Đừng mãi ủ dột một mình, đừng để những suy nghĩ tiêu cực chiếm lấy tâm trí bạn. Hãy cùng họ tạo nụ cười, kể một câu chuyện vui chẳng hạn, cùng lên kế hoạch đi chơi ở một nơi nào đó,... Bằng mọi giá hãy thật mạnh mẽ và vượt qua nỗi sợ, đừng để ung thư lấy đi niềm vui sống của bạn.
Nguồn: https://topchuan.com/top-5-cach-de-vuot-qua-cu-soc-khi-phat-hien-bi-ung-thu/