Được tạo bởi Blogger.

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2019

Top 8 Phim điện ảnh Hàn Quốc hay nhất mọi thời đại

0 comments
Nhắc đến phim Hàn Quốc, chúng ta thường nghĩ đến phim tình cảm lãng mạn. Thế nhưng bạn có biết Hàn Quốc còn có những phim điện ảnh u tối, mang đậm tính nghệ thuật? Hãy cùng TopChuan.com khám phá Top 10 phim điện ảnh Hàn Quốc hay nhất mọi thời đại nhé.

The Host

Nếu như Train to Busan tự hào là phim zombie đầu tiên của điện ảnh Hàn Quốc thì The Host (tạm dịch: Quái vật sông Hàn) chính là bộ phim quái vật đầu tiên của điện ảnh Hàn Quốc. Bộ phim được đạo diễn bởi Bong Joon-ho, lấy cảm hứng từ truyền thuyết về quái vật Chimera sống trong lòng sông và cống rãnh, chuyên đi ăn thịt người. Nếu chỉ là một bộ phim quái vật bình thường, chắc chắn The Host không thể gặt hái được nhiều giải thưởng và nằm trong Top 10 phim điện ảnh Hàn Quốc hay nhất mọi thời đại. Thông qua cuộc chiến sinh tồn với đám quái vật gớm ghiếc, bộ phim The Host đả kích chính trị sâu sắc, đặc biệt là những hậu quả của tàn quân Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc để lại. Bộ phim cũng truyền thông điệp mang tư tưởng nhân văn gia đình. Với những giá trị như vậy, The Host thường được đánh giá là "The Mist" của Hàn Quốc - tác phẩm của Stephen King được dựng thành phim năm 2007.

Mặc dù là phim quái vật, The Host đã chiến thắng Phim hay nhất tại Asian Film Awards và nhận được một đề cử tại Liên hoan phim Cannes.


Thông tin chi tiết:

  • Tựa đề gốc: Gwoemul
  • Năm sản xuất: 2006
  • Đạo diễn: Joon-ho Bong
  • Ngôi sao: Kang-ho Song, Hee-Bong Byun, Hae-il Park
  • Giải thưởng: Giải thưởng C.I.C.A.E Cannes (đề cử), Phim hay nhất Asian Film Awards (chiến thắng), Quay phim xuất sắc nhất Asian Awards (chiến thắng), Nam diễn viên xuất sắc nhất Asian Awards (chiến thắng),  Phim Châu Á hay nhất Hong Kong Film Awards (đề cử)

The Host

Secret Sunshine

Một trong những phim đầu tiên của Lee Chang-dong tạo được tiếng vang trên trường quốc tế, đó là Secret Sunshine (tạm dịch: Ánh dương bí mật). Đây là một trong những phim tiêu biểu cho phong cách làm phim nhẹ nhàng, sâu thắm của Lee Chang-dong, trước Poetry và Burning sau này. Bộ phim xoay quanh cuộc sống của Shin Ae - một người phụ nữ có số phận bi kịch. Sau khi chồng qua đời, Shin Ae cùng con trai đến làng Milyang quê chồng để sống cuộc sống mới. Tuy nhiên, bi kịch lại tiếp tục ập xuống đầu Shin Ae khi con trai cô bị bắt cóc và sát hại. Kể từ đó, cuộc sống của Shin Ae như không còn gì, nhưng có một người thầm lặng quan tâm cô, giúp cô vượt lên đau khổ và tìm lại ý nghĩa cuộc sống, như một ánh dương bí mật.


Secret Sunshine đã chiến thắng hạng mục Phim hay nhất tại Asian Film Awards và được đề cử Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes. 


Thông tin chi tiết:

  • Tựa đề gốc: Milyang
  • Năm sản xuất: 2007
  • Đạo diễn: Chang-dong Lee
  • Ngôi sao: Do-yeon Jeon, Kang-ho Song, Yeong-jin Jo
  • Giải thưởng: Nữ diễn viên xuất sắc nhất Cannes (chiến thắng), Cành cọ vàng Cannes (đề cử), Phim hay nhất Asian Film Awards (chiến thắng), Đạo diễn xuất sắc nhất Asian Film Awards (chiến thắng)

Secret Sunshine

Burning

Bộ phim mới nhất của Lee Chang-dong là Burning (tạm dịch: Thiêu đốt), vừa mới ra mắt năm 2018, dựa trên truyện ngắn của nhà văn nổi tiếng Nhật Bản Haruki Murakami. Burning tưởng như chỉ là một bộ phim tình cảm Hàn Quốc đơn thuần, xoay quanh chuyện tình tay ba giữa chàng trai nghèo Jong Soo, cô gái bạn từ thuở thơ ấu Hae Mi và Ben - một chàng trai nhà giàu, bạn trai mới của Hae Mi. Dẫu vậy, Burning không phải phim thần tượng tình cảm Hàn Quốc. Bộ phim mang một sắc buồn u tối, có phần hoang dại và đôi khi bức bối như thiêu đốt, đúng như cảm giác khi đọc những tác phẩm của Haruki Murakami như Rừng Na Uy, Phía Đông Biên Giới Phía Tây Mặt Trời. Bộ phim Burning như đang nói thay tâm sự của người trẻ Hàn Quốc, một sự chơi vơi vô định, mà ta từng thấy tương tự trong tác phẩm Rừng Na Uy nổi tiếng.

Bộ phim đã chiến thắng 2 giải tại Liên hoan phim Cannes, được đề cử Cành cọ vàng và chiến thắng Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Toronto Film Critics Association Awards.


Thông tin chi tiết:

  • Tựa đề gốc: Beoning
  • Năm sản xuất: 2018
  • Đạo diễn: Chang-dong Lee
  • Ngôi sao: Ah-in Yoo, Steven Yeun, Jong-seo Jun
  • Giải thưởng: Giải thưởng Liên hiệp báo chí điện ảnh Cannes (chiến thắng), Giải thưởng Vulcain Cannes (chiến thắng), Cành cọ vàng Cannes (đề cử), Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất Toronto Film Critics Association Awards (chiến thắng), Đạo diễn xuất sắc nhất Asian Film Awards (chiến thắng), Phim hay nhất Asian Film Awards (đề cử)

Burning

Oldboy

Được đánh giá là bộ phim kinh điển của điện ảnh Hàn Quốc nói riêng và Châu Á nói chung, Oldboy (tạm dịch: Gã già) là bộ phim được đạo diễn bởi Park Chan-wook, chuyển thể từ cuốn truyện tranh cùng tên.

Bộ phim xoay quanh nhân vật chính Oh Dae-su, sau một đêm say xỉn, khi tỉnh dậy thấy mình bị bắt nhốt trong một nhà nghỉ xập xệ. Oh Dae-su không hề nhớ ra mình có thù oán với ai và nghĩ rằng vụ bắt cóc là tống tiền, chỉ diễn ra một thời gian ngắn, nào ngờ ông đã bị giam cầm 15 năm. Trong thời gian đó, Oh Dae-su đã hoàn toàn thay đổi, suy sụp sau khi biết tin vợ bị ám sát, tinh khôn lên sau quãng thời gian dài bị giam cầm, Oh Dae-su đã tìm được cách "vượt ngục", quyết tâm tìm ra kẻ chủ mưu giam hãm mình, cũng như thủ phạm đã giết vợ. Xuyên suốt hành trình, Mi-do, một cô gái trẻ phục vụ nhà hàng luôn kề vai sát cánh với Oh Dae-su. Cho tới khi Oh Dae-su tìm ra kẻ chủ mưu, đó là một sự thực không thể tưởng tượng. Cái hay của Oldboy không chỉ nằm trong các phân cảnh bạo lực, diễn xuất cực đỉnh, góc máy và màu phim u ám, mà hay nhất chính là cú sốc không ngờ đến ở phần kết, không chỉ một cú sốc mà là hai.

Oldboy đã gây chấn động Hàn Quốc, không chỉ vậy, mà còn khiến những nhà làm phim Hollywood cũng phải sững sờ. Đạo diễn nổi tiếng Quentin Tarantino đã khen Oldboy hết lời và thuyết phục ban tổ chức Liên hoan phim Cannes để bộ phim Hàn Quốc chiến thắng danh hiệu cao quý nhất: Cành cọ vàng (Palme d'or). Tuy nhiên rất tiếc Oldboy đã không thể chiến thắng danh hiệu này, nhưng lại thắng giải thưởng lớn (Prix Price) của ban giám khảo. Ở Châu Á, Oldboy cũng chiến thắng Phim hay nhất tại Lễ trao giải Korean Association of Film Critics Awards - giải thưởng điện ảnh cao quý nhất Hàn Quốc, và Phim hay nhất tại Giải thưởng Kim Tượng (Hong Kong Film Awards) - một trong những giải thưởng điện ảnh lâu đời và cao quý nhất Châu Á từ năm 1982, từng vinh danh nhiều bộ phim kinh điển như Vô Gian Đạo, Ngọa Hổ Tàng Long, Thuyền Nhân... Rất tiếc rằng khi đó giải thưởng Asian Film Award vẫn chưa ra đời (2007 mới ra đời), nếu không chắc chắn Oldboy đã có thể chiến thắng danh hiệu cao quý nhất Châu Á này.

Với những danh hiệu cao quý trên, Oldboy xứng đáng là cái tên đứng đầu trong Top 10 phim điện ảnh Hàn Quốc hay nhất mọi thời đại. 

Thông tin chi tiết:

  • Tựa đề gốc: Oldeuboi
  • Năm sản xuất: 2003
  • Đạo diễn: Chan-wook Park
  • Ngôi sao: Min-sik Choi, Ji-tae Yu, Hye-jeong Kang
  • Giải thưởng: Giải thưởng lớn của ban giám khảo Cannes (chiến thắng), Cành cọ vàng Cannes (đề cử), Đạo diễn xuất sắc nhất Asia-Pacific Film Festival (chiến thắng), Phim Châu Á hay nhất Hong Kong Film Awards (chiến thắng), Phim hay nhất Korean Association of Film Critics Awards (chiến thắng),  Phim hay nhất Busan Film Festival (chiến thắng)

    Oldboy

    The Handmaiden

    The Handmaiden (tạm dịch: Hầu gái) là bộ phim điện ảnh mới nhất của Park Chan-wook - đạo diễn của Oldboy. Với bộ phim này, Park Chan-wook đã dựa trên tiểu thuyết Fingersmith của Sarah Waters.

    Bộ phim lấy bối cảnh nước Hàn Quốc thời còn bị Nhật Bản chiếm đóng. Sook-Hee - một cô gái trẻ được đưa vào cung điện của tiểu thư Hideko để làm hầu gái. Trước đó, Sook-Hee đã có giao kèo với một người đàn ông Hàn Quốc mạo danh Bá tước Fujikawa tìm cách cưới tiểu thư Hideko để chiếm đoạt gia tài. Theo kế hoạch, Sook-Hee sẽ theo Hideko và Fujikawa về Nhật sau khi làm đám cưới, theo truyền thống Nhật Bản. Tại đây, hai kẻ này sẽ khiến cho Hideko phát điên rồi tống Hideko vào trại thương điên. Thế nhưng điều bất ngờ xảy ra khi chính Sook-Hee lại bị tống vào trại thương điên dưới danh tính Hideko, và từ đó, những âm mưu của từng con rối trong vở kịch dần hé lộ. Cũng như Oldboy, The Handmaiden có nhiều tình tiết gây sốc, và sự bất ngờ. Tuy nhiên cái kết của The Handmaiden lại có hậu hơn, khiến người xem được thỏa mãn.

    The Handmaiden tuy không chiến thắng hạng mục Phim hay nhất tại Korean Association of Film Critics Awards và Asian Film Awards nhưng lại giành được nhiều danh hiệu lớn tại Phương Tây. Đó là chiến thắng Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Toronto Film Critics Association Awards và đặc biệt là chiến thắng hạng mục cùng tên ở British Academy of Films and Televison Arts (BAFTA) - 1 trong 4 giải thưởng điện ảnh cao quý nhất (cùng với Oscar, Cannes và Quả Cầu Vàng), được mệnh danh là "Oscar của Vương quốc Anh". Tại Liên hoan phim Cannes, The Handmaiden cũng được đề cử Cành cọ vàng nhưng rất tiếc đã không chiến thắng.


    Thông tin chi tiết:

    • Tựa đề gốc: Ah-ga-ssi
    • Năm sản xuất: 2016
    • Đạo diễn: Chan-wook Park
    • Ngôi sao: Min-hee Kim, Jung-woo Ha, Jin-Woong Cho
    • Giải thưởng: Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất BAFTA (chiến thắng), Giải thưởng Vulcain Cannes (chiến thắng), Cành cọ vàng Cannes (đề cử), Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất Chicago Film Critics Association Awards (chiến thắng), Thiết kế sản xuất Asian Film Awards (chiến thắng), Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất Toronto Film Critics Association Awards (đề cử)

    The Handmaiden

    Mother

    Mother (tạm dịch: Lòng mẹ) là bộ phim đặc sắc của Bong Joon-ho - đạo diễn đang giành được nhiều sự chú ý với bộ phim Parasite. Bộ phim xoay quanh một người mẹ già có con trai thiểu năng lao vào vòng lao lý. Cậu con trai thiểu năng luôn phải để mẹ chăm sóc từng ly từng tí, bỗng trở thành nghi phạm số một trong một vụ giết hại nữ sinh ở ngôi nhà hoang hẻo lánh. Người mẹ hết lòng thương con, tin rằng con trai vô tội đã tìm mọi cách để điều tra, minh oan cho con trai. Đến cuối phim, kẻ thủ ác thật sự lộ diện có thể khiến nhiều người bất ngờ và thấy sự thảm khốc của bộ phim này.

    Ra mắt vào năm 2009, Mother đã trở thành phim hay nhất ở Hàn Quốc và Châu Á, cũng như đã chiến thắng một giải thưởng tại Cannes.

    Thông tin chi tiết:

    • Tựa đề gốc: Madeo
    • Năm sản xuất: 2009
    • Đạo diễn: Joon-ho Bong
    • Ngôi sao: Hye-ja Kim, Won Bin, Goo Jin
    • Giải thưởng: Giải thưởng Un Certain Regard Cannes (chiến thắng), Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất Toronto Film Critics Association Awards (đề cử), Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất Chicago Film Critics Association Awards (đề cử), Phim hay nhất Asian Film Awards (chiến thắng), Kịch bản xuất sắc nhất Asian Film Awards (chiến thắng),  Phim hay nhất Korean Association of Film Critics Awards (chiến thắng), Kịch bản xuất sắc nhất Korean Association of Film Critics Awards (chiến thắng)

    Mother

    Poetry

    Poetry (tạm dịch: Thi ca) là bộ phim tiêu biểu của một đạo diễn người Hàn nổi tiếng khác là Lee Chang-dong. Phim xoay quanh một người phụ nữ trung niên tầm 60 tuổi, đang ở giai đoạn đầu bệnh Alzheimer. Bà cũng đang phải đối mặt với nỗi đau, áp lực và tội lỗi khi cháu trai có dính líu tới cái chết của một cô gái trẻ bạn học cùng. Trong lúc suy sụp, bà đã tìm được cảm hứng ở lớp thi ca, nơi mà bà học được sự bao dung, từ đó, bà lấy lại niềm tin vào cuộc sống, cũng như hòa giải với gia đình cô gái đã khuất theo cách trọn vẹn nhất.

    Với kịch bản dung dị, đơn giản mà sâu sắc, bộ phim Poetry đã chiến thắng hạng mục Kịch bản xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes. Bộ phim cũng được đề cử hạng mục Cành cọ vàng. Tại Châu Á, Poetry cũng đã trở thành phim hay nhất Hàn Quốc và phim hay nhất Châu Á năm 2010.


    Thông tin chi tiết:

    • Tựa đề gốc: Shi
    • Năm sản xuất: 2010
    • Đạo diễn: Chang-dong Lee
    • Ngôi sao: Jeong-hie Yun, Da-wit Lee, Hee-ra Kim
    • Giải thưởng: Kịch bản xuất sắc nhất Cannes (chiến thắng), Giải thưởng Ecumenical Jury Cannes (chiến thắng), Cành cọ vàng Cannes (đề cử), Đạo diễn xuất sắc nhất Asian Film Awards (chiến thắng), Kịch bản hay nhất Asian Film Awards (chiến thắng), Phim hay nhất Asian Film Awards (đề cử), Phim hay nhất Korean Association of Film Critics Awards (chiến thắng)

    Poetry

    Train to Busan

    Và cái tên cuối cùng đó là Train to Busan (tạm dịch: Chuyến tàu sinh tử). Train to Busan là bộ phim zombie đầu tiên của Hàn Quốc, giúp cho bộ phim Châu Á nâng tầ bom tấn như một siêu phẩm Hollywood. Bộ phim được đạo diễn bởi Yeon Sang-ho, vốn là một đạo diễn phim hoạt hình, trước đó đã thực hiện Seoul Station kể về diễn biến tại ga Seoul trước Train to Busan.

    Bộ phim Train to Busan theo chân hai cha con trên chuyến tàu đến Busan, khi mà đại dịch zombie bắt đầu lan rộng khắp Seoul. Vô tình, zombie đã lên được chuyến tàu, khiến cho nạn zombie lây lan nhanh chóng. Những người trên tàu đã phải tìm mọi cách để sinh tồn, chống lại zombie, đồng thời tìm cách đến Busan - nơi đang được bảo vệ an toàn khỏi nạn zombie.

    Được thực hiện với tình tiết gay cấn, kỹ xảo hoàn thiện và cốt truyện có yếu tố cảm động, Train to Busan lọt vào danh sách một trong những phim Hàn Quốc có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Bộ phim còn có ẩn ý về cuộc chiến tranh Triều Tiên-Hàn Quốc, khi quân lính Triều Tiên bất ngờ tấn công Seoul, khiến cho người Hàn Quốc phải chạy đến Busan lánh nạn.

    Mặc dù Hàn Quốc còn nhiều bộ phim đặc sắc khác không kém như The Chaser, Ayla: The Daughter of War, Silenced, Hope, December 23rd, nhưng với 32 giải thưởng lớn nhỏ và là phim nâng tầm điện ảnh Hàn Quốc sánh ngang với bom tấn Hollywood, Train to Busan xứng đáng góp mặt trong Top 10 phim điện ảnh Hàn Quốc hay nhất mọi thời đại.
     


    Thông tin chi tiết:

    • Tựa đề gốc: Busanhaeng
    • Năm sản xuất: 2016
    • Đạo diễn: Sang-ho Yeon
    • Ngôi sao: Yoo Gong, Yu-mi Jung, Dong-seok Ma
    • Giải thưởng: Nam diễn viên xuất sắc nhất Asian Film Awards (đề cử), Hiệu ứng kỹ xảo Asian Film Awards (đề cử), Giải thưởng bom tấn Châu Á International Film Festiva (chiến thắng), Phim được yêu thích nhất Chunsa Film Art Awards (chiến thắng), Kỹ thuật phim xuất sắc nhất Korean Association of Film Critics Awards (chiến thắng)

    Train to Busan

    Nguồn: https://topchuan.com/top-10-phim-dien-anh-han-quoc-hay-nhat-moi-thoi-dai/

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét