Được tạo bởi Blogger.

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Top 7 Bài văn tả khu chợ mà em biết hay nhất

0 comments
Đối với rất nhiều người, được đi chợ cùng mẹ khi còn nhỏ bao giờ cũng là một niềm mong ước và mang đến bao điều thú vị. Mỗi miền quê lại có những phiên chợ khác nhau với những hàng hóa đặc trưng riêng gắn với văn hóa, phong tục tập quán của vùng đó. Nhưng tất cả các khu chợ đều nhộn nhịp và phản ánh cuộc sống ấm no của người dân. Hãy cùng TopChuan.com tham quan một số khu chợ trong bài văn tả khu chợ mà em biết dưới bài viết sau.

Chợ nổi trên sông

Quê em nằm trên một nhánh sông Tiền. Người dân nơi đây hầu hết sống lênh đênh, dập dềnh trên sông nước suốt bốn mùa. Từ làm ruộng đánh cá đến họp chợ bán buôn, tất cả đều diễn ra trên sông cả. Chợ nước nổi nhộn nhịp xuồng, ghe khác hẳn chợ ở vùng xuôi họp trên những bãi đất bằng.

Nhà em ở ven sông, gần ngay chợ nên sáng sớm đã nghe tiếng ồn ào không thể nào ngủ được. Những ghe ở dưới xuôi đưa hàng lên rồi lại đón hàng ở miền ngược về chợ dưới bán cho khách ở cuối nguồn. Trái lại người ở miền ngược lại cũng chèo xuồng xuống sớm mong mua được những thứ thực phẩm tươi ngon ở chợ dưới này. Những chiếc ghe lớn nhỏ đậu lại như một cánh cung. 

Chợ như một hòn đảo nổi được giữ đứng im bởi hàng trăm chiếc sào chống thẳng đứng trên sông. Chợ xuồng ghe giống như một cái siêu thị nổi. Ở đây người ta bày biện bán đủ các loại mặt hàng: rau củ, trái cây, thịt cá, đồ gia dụng, quần áo, hàng xa xỉ…thậm chí đến từng cái kim, sợi chỉ cũng có bán ở đây.

Chợ đông lại khó di chuyển nên người ta phải bán bằng cách rao hàng thật lớn. Lớn như tiếng rao của các bán hoa quả: "Táo ngon! Táo ngon đây. Sáu ngàn rưỡi một ký mại dô, mại dô". Người đi mua hàng cứ theo tiếng rao ấy, ưng ý thứ gì là gọi xuồng chống tới. Thế cũng thấy chợ ồn ào quá nhưng lâu rồi thành quen giữa bao nhiêu tiếng rao vang mà thứ hàng mình cần mua thế nào cũng nghe rõ lắm.

Chợ nước nổi là di động và tiện ích nhưng chỉ phiền một nỗi là gây ra ô nhiễm môi trường. Chả thế mà giờ này năm ngoái các chủ ghe đã họp nhau cùng lập nên một cái trạm vệ sinh để giữ cho việc buôn bán được lâu dài. Đúng là từ ngày có các cô chú vệ sinh cả khu chợ nhà ai nhà nấy cũng yên tâm lắm. Sống gần chợ thành quen. Vì thế cứ đi đâu xa em lại nhớ da diết cái chợ vùng nước nổi, nhớ da diết những tiếng rao quen thuộc trên sông.

Chợ nổi trên sông

Chợ nổi Phong Điền

Cần Thơ có nhiều chợ nổi rất lạ, rất vui. Chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, chợ nổi Phụng Hiệp… Mỗi chợ nổi có một nét độc đáo riêng, rất hấp dẫn nhưng em thích nhất là chợ nổi Phong Điền.

Chợ nổi Phong Điền cách trung tâm thành phố Cần Thơ độ 17 cây số. Nơi đây có thể mua lẻ vì ở cạnh một chợ lớn trên bờ. Mỗi con thuyền ở đây đều treo một cây sào lủng lẳng đầu mũi thuyền, gọi là cây bẹo. Trên mặt sông rộng bao la, thuyền ken dày đặc, dập dềnh, thuyền mua, bán ồn ào, ầm ĩ, đâu phải lúc nào người đi chợ, người mua hàng cũng áp sát mạn thuyền người bán được. 

Cứ nhìn cây bẹo từ xa mà biết thuyền bán trái gì, bán thứ gì,rồi lách thuyền đưa ghe tới mua thứ mà mình cần. Có thể nói, cây bẹo là một bảng hiệu, giới thiệu mặt hàng cổ nhất, tiện lợi nhất trên chợ nổi. Cây bẹo treo xoài thì bán xoài, treo cam thì bán cam, treo vú sữa thì bán vú sữa… Nhưng có những cái treo mà không bán. 

Cư dân sông nước sinh sống trên thuyền, áo quần, xoong nồi phơi, treo ở góc thuyền. Có chợ là đông người, là ồn ào tấp nập, dẫu là chợ nổi, nhưng ở đây lại có nhiều thứ không treo mà lại bán. Đi chợ nổi một vài lần rồi sẽ quen. Chợ nổi Phong Điền có nhiều hàng nhậu, từ xa ta có thể nhìn khói bốc lên, hương thơm ngào ngạt tỏa ra. Quán hủ tiếu, quán bún, quán cháo, quán cơm… là một con xuồng nhỏ, chèo len lách, táp vào nơi có người gọi. Quán cà phê, li đá, nắm xôi, đồ nhậu… đều phục vụ "thượng đế" tận nơi. 

Một đĩa xào, một tô hủ tiếu, một li rượu đế tràn đầy,… kẻ bán người mua, kẻ trao người nhận, vui vẻ, mộc mạc, thân tình. Chẳng ai kì kèo, mặc cả. Chẳng thiếu một thứ gì. Các dịch vụ sửa máy, bán xăng, sửa cân, các hàng tạp hóa, thuốc tây, các hàng bán mắm muối, gạo thóc… đều có hết để phục vụ cho cuộc sống cư dân trên sông nước. Có hiệu cắt tóc, hiệu sơn móng tay. Có tiếng hát cải lương mùi mẫn cất lên. 

Có nhiều hình ảnh ngộ nghĩnh, lạ mà quen: có con mèo, con chó vểnh tai ngồi chồm chỗm đầu mũi thuyền, có hai, ba đứa trẻ cởi trần đuổi nhau, nhảy từ ghe này qua thuyền khác, có chị vừa bán hàng vừa cho con bú, có bà lão khoác khăn rằn ngồi nhai trầu bỏm bẻm… Thuyền, xuồng, ghe… như mắc cửi, qua lại, len lách nhộn nhịp mà không đụng độ, không va chạm. Tiếng nói, tiếng chào mời, tiếng mua bán cất lên ồn ào một khúc sông.

Buổi sáng sớm trên dòng Hậu Giang, hàng trăm con thuyền, hàng trăm chiếc ghe, chiếc xuồng cùng xuôi, ngược, cùng về một bến. Nông sản, trái cây đầy ắp xuồng, thuyền. Tiếng hò vẳng xa, tiếng sóng dội lại, ồn ào và tấp nập trong màn sương. Cho đến non trưa, chợ nổi Phong Điền vãn dần rồi trở nên vắng vẻ. Hãy về với Cần Thơ, dù chỉ một lần đi chơi chợ nổi Phong Điền để cảm một chút thôi cái dư vị sông nước của miền Tây Nam Bộ. Một mảnh đất xa xôi của Tổ quốc thân yêu.

Chợ nổi Phong Điền

Một phiên chợ miền trung du

Quê tôi ở thành phố Hòa Bình, một thành phố nhỏ ở vùng núi phía Bắc, ngay cái tên đã gợi lên sự yên bình, giản dị. Quê hương tôi nổi tiếng nhất có lẽ là đập thủy điện Hòa Bình nhưng còn một nơi nữa mà rất nhiều người biết đến đó là chợ Nghĩa Phương. Chợ đã được thành lập cách đây mười năm, là nơi tập trung buôn bán của rất nhiều thương lái.

Chợ Nghĩa Phương trước khi được xây dựng là một chợ tự phát của người dân. Họ đổ ra buôn bán ven đường gây ùn tắc và nguy hiểm đến những người tham gia giao thông, bởi vậy, chính quyền địa phương đã xây chợ để tạo điều kiện cho mọi người thuận lợi mua bán. 

Chợ được xây to đẹp, với diện tích lớn, chia làm nhiều gian hàng rất quy củ. Chợ chia làm 10 dãy chính: hai dãy đầu buôn bán quần áo, hàng xén, bốn dãy hàng tiếp theo buôn bán thực phẩm, rau cỏ; hai dãy tiếp bán những sản vật địa phương, các dãy còn lại và phần cuối chợ dành cho các loại gia cầm và hải sản. Với sự phân chia hợp lí như vậy, tạo ra sự thuận lợi cho việc mua bán ở chợ.

Chợ Nghĩa Phương quê tôi không chia thành các phiên chính phụ, bởi là chợ lớn nên lúc nào cũng đông đúc người mua kẻ bán và chợ đặc biệt đông hơn cả vào ngày chủ nhật. Những ngày này chợ trở nên đông vui, nhộn nhịp như chợ ngày tết. Chợ họp từ lúc 3 giờ sáng, khi màn đêm vẫn còn bao phủ, sương giăng khắp thôn cùng ngõ xóm, ngoài đường đã nghe thấy tiếng í ới gọi nhau của những người đi chợ. Xe chở hoa, tiếng lợn eng éc, tiếng vịt quàng quạc,… trên khắp các nẻo đường nghe thật rộn rã. Lúc bấy giờ là chợ của những người bán buôn, họ chở xe lớn xe nhỏ đến để bán lại cho các chủ cửa hàng nhỏ. 

Gần sáng chợ thưa người hơn, những chủ buôn lớn tranh thủ ăn cái bánh, bát bún, đợi những bà, những mẹ đi chợ để bán hàng lẻ. Trời rạng dần, sương đêm đã gần tan hết, bắt đầu thấy rõ từng tốp người xách làn đi chợ. Lúc này các bà, các mẹ đi chợ mua những thức ăn cho cả gia đình trong ngày. Ai nấy cũng hớn hở, vội vã, nhanh tay lựa những món hàng tươi nhất, ngon nhất bỏ vào giỏ của mình. Chỉ vừa lúc nãy, chợ mới lác đác vài người, giờ đã chật như nêm cối, không còn chỗ chen chân.

Phía gian hàng quần áo mọi người lũ lượt đi ra đi vào mong tìm được cho mình được bộ quần áo ưng ý. Những bộ quần áo sặc sỡ, đủ sắc màu trên giá được treo lên hạ xuống liên tiếp. Ở hàng quà bánh, những chiếc bánh rán vàng ruộm được tẩm đường hoặc rắc vừng thơm lừng, chiếc bánh chưng bé bằng bàn tay bốc khói nghi ngút trong nồi mới hấp dẫn làm sao. Những đứa trẻ theo bố mẹ đi chợ, đến hàng quà bánh thì sà vào, nhất quyết không chịu đi nữa. 

Đi qua dãy hàng bán thịt lợn, những chiếc dao được mài sắc, sáng bóng, tay của các bác bán hàng đưa thoăn thoắt xẻo những miếng thịt lợn tươi ngon bán cho khách hàng, ngay cả những khách hàng khó tính nhất cũng không thể chê được. Tài tình nhất ấy là người mua muốn lấy bao nhiêu lạng bác bán hàng có thể cắt chính xác không sai chút nào, thật chẳng khác gì ảo thuật gia. Đi quá thêm chút nữa là đến gian hàng sản vật quê hương, tại đây bày bán những món ăn đặc sản của Hòa Bình quê tôi. Đó là rượu cần khi uống nhẹ nhàng như uống nước nhưng lại làm người ta say ngây ngất.

Những quả cam vàng ối, chín mọng bóng lên, là giống cam Cao Phong thơm ngon, nổi tiếng khắp nơi. Hay những thanh cơm lam thơm lừng mùi nếp nương. Nào ai có thể nỡ bước qua mà không ghé vào mua những đặc sản ấy. Cứ như vậy, cả buổi sáng người mua kẻ bán đi ra đi vào tấp nập không ngớt. Cho mãi đến gần trưa, khi mặt trời đã lên cao, cái nắng nóng bắt đầu len lỏi, chợ dần dần thưa người. Người ta bắt đầu quét dọn, thu vén và kiểm hàng, có người tranh thủ ăn vội cái bánh và tính lời lãi của ngày hôm nay. 

Mọi người hỏi han nhau, cười nói với nhau, những nụ cười thật sảng khoái, tươi vui. Chẳng mấy chốc mà chợ tàn, tiếng ồn ào, ầm ĩ mà chỉ mới cách đây vài phút cũng đã biến đi đâu mất hẳn. Chợ lại trở về cái vẻ thanh bình của nó. Mỗi lần đến chợ luôn mang đến cho tôi những cảm giác mới mẻ. Nhìn quang cảnh mọi người buôn bán tập nập lòng tôi vô cùng vui sướng vì cuộc sống của mọi người ngày được cải thiện, ấm no, hạnh phúc hơn.

Một phiên chợ miền trung du

Phiên chợ quê náo nhiệt

Phiên chợ quê khác hẳn với sự ồn ào náo nhiệt của phiên chợ ở thành phố, và hôm nay tôi được về quê để được tận hưởng cái không khí thanh bình ấy. Vừa vùng ra khỏi chăn, tôi thấy mọi người trong làng đang rủ nhau đi chợ, người đi bộ, người chở hàng hóa, cảnh phiên chợ hiện lên trong mắt tôi sao mà thân thương gần gũi.

Chợ quê tôi nằm ngay đầu làng, bên cạnh dòng sông Hồng với những dòng nước trong xanh. Ngày nào chợ cũng họp từ sớm tinh mơ khi gà chưa gáy đến khi bóng mặt trời đã xế tà. Phiên chợ chính thì chỉ có vào những ngày mồng 6, 10, 16, 20, 26, 30 hàng tháng. Vào phiên chợ chính, hàng hóa được bày bán ở đây rất đa dạng và phong phú. Từ tinh mơ, những người bán hàng đã mang hàng ra chợ bày biện hàng hóa, ai cũng mong tìm được chỗ ngồi tốt và bán được nhiều hàng. 

Trời sáng rõ hơn, những người đến mua đã bắt đầu đến chợ, khoảng 6h sáng chợ đã đông vui tấp nập. Từ xa nhìn lại, chúng ta đã cảm nhận được sự vui tươi đang diễn ra ở bên trong. Ngoài hàng hóa ra, trong chợ còn có những quán bún phở, mùi vị phở thơm phức, bốc khói nghi ngút, mời gọi thực khách rẽ vào quán ăn. Phở quê tôi vừa rẻ vừa ngon khiến ai cũng muốn dừng chân để vào quán thưởng thức món ăn của quê hương. 

Phiên chợ quê không chỉ xuất hiện những người bán và người mua mà còn xuất hiện những em bé với những bộ quần áo xanh đỏ theo cha mẹ ra chợ. Em nào cũng nở nụ cười tươi trên khuôn mặt. Thấy phiên chợ đông đúc và có nhiều đồ đẹp, các em cứ chạy lung tung, hò hét thích thú. Các bà, các mẹ, các chị đang lựa chọn để mua những mặt hàng cần thiết cho gia đình như rổ giá, chiếu gối, đồ điện. Hàng thịt cá đông nghịt người mua, những phản thịt tươi ngon, những chậu cá với những con cá to, đang bơi lội. 

Dạo qua một vòng khu bán hoa quả, tôi lại muốn được ăn những quả lê quả ổi chín mọng... Tôi thấy hiện lên trong tâm trí mình hình ảnh người nông dân phải một nắng hai sương để tạo ra chúng, chúng ta phải tỏ lòng biết ơn đối với những người nông dân. Không chỉ có vậy, chợ quê tôi còn có nhiều loại bánh rất ngon, bánh chưng, bánh rán, bánh nếp,...Khi nào đi chợ tôi cũng phải thưởng thức một trong những loại bánh đó và chúng đã làm tôi nhớ mãi cái đặc trưng của phiên chợ quê tôi.

Tất cả những hàng hóa được bày bán ở đây đều mang đậm sắc hương, mùi vị của hương đồng cỏ nội được kết tinh từ hồn quê, hồn đất. Cũng có những người đi chợ không mua sắm mà họ đi ngắn, đi bình phẩm hoặc đi chơi chợ. Buổi chiều, người đến chợ thưa dần, đến cuối chiều, khi mặt trời khuất sau núi chợ mới tan.

Buổi chợ quê diễn ra thật đông vui tấp nập, nó đã cho thấy sự no ấm đủ đầy của người dân quê tôi. Tôi thấy mình thật may mắn khi được sinh ra tại vùng quê này và có cơ hội được tận hưởng cái hay cái đẹp của phiên chợ quê, tôi sẽ thường xuyên về quê hơn để được tận hưởng cảm giác này.

Phiên chợ quê náo nhiệt

Chợ làng nhộn nhịp

Quê em là một làng nhỏ ven sông Cầu, khung cảnh yên ả, thanh bình. Náo nhiệt nhất có lẽ là vào những ngày phiên chợ, làng em ồn ào, sôi động hẳn lên.


Chợ làng em là chợ chung cho cả xã, một tháng có sáu phiên vào các ngày mùng bốn, mùng chín, mười bốn, mười chín, hăm bốn, hai chín âm lịch. Tờ mờ sáng, chợ đã khá đông. Từng tốp, từng tốp người quang gánh kĩu kịt, từ trên đê xuống, từ bên kia sông đi đò sang, từ làng dưới lên, tíu tít đổ về chợ, tiếng trò chuyện râm ran. Con đường làng em tấp nập người qua lại, đông vui như hội.

Chợ họp trên bãi đất rộng cuối làng. Tuy không quy định nhưng những người bán cũng tự động ngồi thành từng dãy tùy theo mặt hàng. Chính giữa chợ là hàng chục sạp tạp hóa. Nào kim chỉ, gương lược, giấy vở, bút chì, phấn bảng, cho đến cả bóng đèn, ấm chén, phích nước… thứ gì cũng có. Quần áo may sẵn bày la liệt cho người mua dễ nhìn, dễ chọn. 

Phía cuối chợ là khu bán lúa gạo, ngô, đậu, lạc, sắn, khoai… Mấy bà buôn chuyến mua gom rồi chở ra thị xã. Góc chợ là nơi bán gia súc. Những chú lợn con bị nhốt trong rọ, nghếch mõm ngó người mua. Đàn gà nhép liếp chiếp trong lồng, nhớn nhác nhìn cảnh lạ. Lũ vịt bị trói chân thành từng cặp, lâu lâu lại đập cánh phành phạch rồi kêu cạc cạc ầm ĩ.

Xế sang góc bên này là hàng rau quả. Thôi thì đủ loại cây nhà lá vườn. Những củ su hào xanh non còn nguyên phấn trắng, cải bẹ mỡ màng. Cà chua đỏ ối từng rổ lớn xếp cạnh những bó hành dọc xanh củ trắng nõn nà. Cam, quýt, hồng xiêm, ổi… tươi rói, thơm lừng. Bây giờ chưa phải là tháng chạp nhưng chợ quê em đã có nhiều hàng bán tranh Tết . Làng Đông Hồ nổi tiếng cách làng em không xa. Người ta mua tranh gà, tranh lợn, tranh cá chép trông trăng về treo trong dịp Tết cho nhà cửa thêm đẹp đẽ và cầu mong một năm mới thịnh vượng, ấm no.

Có lẽ đây là sở thích riêng của người dân vùng Kinh Bắc quê em từ xa xưa truyền lại. Suốt buổi sáng, cảnh mua bán tấp nập diễn ra. Tiếng mời mọc, tiếng mặc cả, khen chê ồn ã, náo nhiệt, thật là vui! Mặt trời đứng bóng, chợ đã vãn, dòng người gồng gánh nối theo nhau tỏa về các ngả. Làng em trở lại yên tĩnh như khung cảnh thường ngày của nó.

Chợ làng nhộn nhịp

Miền quê và phiên chợ ấu thơ

Các bạn đã đi chợ phiên bao giờ chưa? Tôi đã được đi một lần khi còn nhỏ nhưng cho đến bây giờ hình ảnh của phiên chợ ấy vẫn còn đọng mãi trong tôi với những dòng ký ức ngọt ngào về miền quê thơ ấu thanh bình và yên ả.

Đó là một ngày mùa thu dịu dàng. Bầu trời rất xanh và trong với những dải mây hồng đang lững thững dạo chơi. Đàn chim nhạn và đám mây trắng mỏng lướt qua mọi vật. Bà tôi đã dậy từ lúc nào. Khi tôi rửa mặt thì bà đang cặm cụi nhóm bếp lửa đun nước. Sáng nay, tôi sẽ cùng bà đi chợ phiên. Tôi vô cùng háo hức. Bà cháu tôi bắt đầu đi khi sương vẫn còn đọng trên những vòm lá. Bà tôi đội chiếc thúng tre trên đầu, bên trong là mấy bó rau vườn nhà. 

Từ nhà ra chợ đi một lát là đến. Bà tôi ngồi bán rau ngay đầu chợ còn tôi vào trong xem. Khu chợ này nhỏ thôi, nhưng có rất nhiều gian hàng. Mái chợ được lợp bằng những tấm cọ. Dãy hàng đầu tiên chỉ có bốn gian. Gian thứ nhất bán bánh mì. Những chiếc bánh mì dài, nóng hổi. Vài em bé vừa chỉ tay vào gian bánh vừa vùng vằng đòi mẹ mua. Gian thứ hai bán bánh rán, loại bánh rán mật chỉ bé bằng ba ngón tay chập lại nhưng bọn trẻ chúng tôi mê vô cùng. 

Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn cảm thấy vị ngọt ngào của mật đường, vị dẻo thơm của bột nếp và vị thơm bùi của đỗ xanh. Và có một loại bánh không thể không nói đến: bánh hú tai mèo. Miếng bánh dẻo thơm làm từ bột gạo, một thứ bánh quen thuộc mà sao lần nào ăn tôi cũng thấy nó ngon lạ kỳ. Hai đầu bánh nhọn như tai mèo nên có tên gọi là bánh hú tai mèo. Và gian thứ tư: gian này không bán bánh mà bán cốm. Cái hương lúa dịu dàng hòa quyện trong hương lá sen thơm mát ấy đã níu bước chân tôi lại bên gánh cốm. 


Chợ bây giờ đã đông hơn. Người người ra vào tấp nập. Những tiếng mời mua, mặc cả, những tiếng cười đùa, hỏi thăm vang lên ồn ã. Tôi bước sang dãy bán thịt, cá. Đây là dãy đông nhất, mọi người kín lại, chẳng còn lối đi. Tôi lách qua một cách khó nhọc, lại bị che kín nên chỉ nhìn thấy những chú cá béo tròn, nào cá rô, nào cá trắm đang lượn đi lượn lại trong chậu, vài chú cố sức trườn ra ngoài rơi "bẹp" xuống đất, giãy đành đạch trước khi được đưa trở lại chậu.Những tảng thịt lợn, thịt bò hồng tươi, săn chắc, nhìn rất ngon lành, những chú gà, chú vịt đang cãi nhau "quác, quác", "cạc, cạc" ầm ĩ. Rồi những tiếng tranh mua miếng thịt ngon, tiếng mặc cả. Tất cả tạo nên một bản hòa tấu sống động. 

Dãy thứ tư bán hoa quả và rau. Những trái dưa vàng, dưa hấu tròn như những chú heo con. Những trái thanh long đỏ hồng và tròn căng. Những trái cam tròn trịa, mập mạp, nhìn đã ứa nước miếng. Lại thêm cô bán hàng xởi lởi nên chẳng ai mặc cả làm gì. Rồi còn có bao nhiêu rau: rau cải, rau muống, xà lách, mùi, húng đủ loại. Những mớ rau tươi, non, xanh mơn mởn vẫn còn long lanh sương đêm. Những ngọn rau phất phơ trước cơn gió buổi sớm như mời gọi.

Mặt trời đã lên cao, chợ đã vãn. Dòng người đổ ra đường, chảy mãi trong không gian bao la. Tôi với bà cũng hoà vào dòng chảy ấy. Ra cổng, tôi lại thấy thêm một thứ mà lúc trước vào tôi không để ý. Dưới gốc cây đa, một bà già tóc bạc phơ, miệng móm mém nhai trầu đang ngồi bên một tấm bạt bày vài gói kẹo lạc, kẹo bi, những cái bánh vừng, kẹo hồ lô..., những thứ bánh kẹo rẻ tiền nhưng là cả một mơ ước với chúng tôi thuở ấy. Bây giờ thì chẳng còn những cụ già tóc bạc ngồi bên gánh hàng đơn sơ như vậy nữa.

Tôi đã xa quê lâu rồi và cũng chẳng còn có dịp trở lại phiên chợ năm xưa nữa. Cho dù tôi về quê thì quê hương cũng đã đổi thay. Sẽ chẳng có một chuyến tàu nào đưa tôi về được với miền quê và phiên chợ ấu thơ. Nhưng mãi mãi hình ảnh về phiên chợ ấy sẽ là ký ức đẹp trong tôi.

Miền quê và phiên chợ ấu thơ

Chợ hoa ngày Tết

Mùa xuân là mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa khoe sắc thắm. Ở quê em như thường lệ, cứ mỗi khi Tết đến xuân về là lại có chợ hoa với biết bao loài hoa tập trung về đây để cùng nhau khoe sắc, làm rộn ràng thêm không khí ngày xuân.

Sau một mùa đông giá lạnh, muôn loài như bừng tỉnh khi mùa xuân đến. Mùa xuân cũng là thời điểm bắt đầu một năm mới, ai cũng tưng bừng chuẩn bị mọi thứ cho ngày Tết sắp tới. Nào dọn dẹp nhà cửa, nào mua sắm bánh kẹo, đồ ăn…nhưng dù bận rộn đến đâu, mọi người ở quê em vẫn dành dù chỉ là một chút thời gian ghé qua chợ hoa để có dịp chiêm ngưỡng sự lộng lẫy, sự rực rỡ của muôn loài các loài hoa.

Bước vào trong chợ, người ta có cảm giác như lạc vào một xứ sở thần tiên chỉ dành cho cái đẹp. Muôn loài hoa cùng tụ họp về đây và làm nên một chợ hoa tuyệt đẹp chỉ có trong những ngày Tết . Có ai mà đếm được xem có biết bao nhiêu loài hoa. Nào là hoa hồng, nhưng hoa hồng còn có hoa hồng đỏ, hồng vàng, hồng trắng; hoa cúc cũng có hoa cúc vàng và cúc trắng, cúc loại to, cúc loại nhỏ, rồi hoa lưu li tím, hoa cẩm chướng, hoa huệ, hoa lay ơn… và tất nhiên không thể thiếu một loài hoa đặc trưng của ngày Tết  ở miền Bắc, đó chính là hoa đào. 

Có hẳn một chỗ rộng để dành cho các hàng hoa đào, chỗ dành cho loài hoa này cũng đa dạng lắm, có một chậu cây đào to, cũng chỉ có những chậu nhỏ tùy thuộc vào ý thích của mọi người mà sẽ chọn xem mua loại nào. Cành nào, cây nào cũng lắm hoa nhiều nụ rất đẹp. Vì là miền bắc nên chợ không có hoa mai – loài hoa đặc trưng của ngày Tết mà chỉ miền Nam mới phổ biến.

Không chỉ có hoa thật mà đây cũng là thế giới của các loại hoa giả: Hoa nhựa, hoa giấy, hoa lụa…Những cành tầm xuân được làm bằng lụa trông giống y như hoa thật vậy, rồi đến những bát hoa nhựa mà người ta hay mua về để trong tủ kính, và cả những bình hoa bằng giấy lụa màu được làm từ những người thợ khéo tay cũng về đây tề tựu đông đủ. 

Gọi là chợ hoa nhưng chợ còn bán cả cây cảnh nữa điển hình là cây quất. Những cây quất sai trĩu trịt với những quả quất căng mọng vỏ màu vàng cam xen lẫn những quả màu xanh len lỏi trong lá trông thật thích mắt, không chỉ có thế, chợ còn có cây bồng bồng, cây tài lộc là những cây không thể thiếu trên bàn thờ. Chợ hoa không chỉ bán hoa và còn bán cả lọ hoa, bình hoa với muôn dáng muôn hình, bình to, bình nhỏ.

Năm nay thay vì mẹ đi chợ mua hoa thì em với bố đi. Em thì đi chọn hoa tươi còn bố thì đi xem đào và quất. Em mua và chọn những bông hoa cúc vàng to nhất, đẹp nhất để mẹ để lên bàn thờ và chọn một bó các loại hoa tươi như hoa hồng, lưu ly, cúc loại nhỏ…để cắm thành một lọ để ở bàn uống nước và tiếp khách. Mua hoa xong em đi tìm bố thì cũng thấy bố đã chọn xong một cây đào và một cây quất nhỏ vì nhà em cũng không được rộng lắm.  

Về nhà mà em vẫn còn tiếc nuối vì không được ngắm các loài hoa thêm chút nữa và phải đợi đến tận Tết năm sau mới có. Chợ hoa thật đẹp, nó như lưu lại trong lòng người một cái gì đó gọi là dáng vẻ của ngày xuân, tràn ngập ấm áp và yêu thương.

Chợ hoa ngày  <a href='https://u2772786.ct.sendgrid.net/wf/click?upn=n1xf20KPskRfBiDeptpNMp1SWxIeQQ3sPMiFA1eN2OqK6pLLzwxZp7cC1QZ7gmRh_HO26t5qq11gRo7a-2BSvViJhnpXVjpepq9fFRbHWkVDwObAJ5rF0tvRxiLb6MMoKvgrI5TMj8islubm8Y5qMNB-2B5HPq5WzWJ-2BxdDYR0LKYLzDrIVYBwtojPXCPkg94vuWZGxxirDS0JA7rn-2Fvv-2F98GuT4xW7l8x5VLNd33lXbgZjSP0vLtRnit-2FqUrwno0odKDHVEw0JqfUe5SJJkwHCT8zjeJGXRrR2cOAvx5NRMnbEpn7JD4MKUCiOQC8fQPAYNBt5iURMCQULEpyPjgkDmNYyxKofQOpdMj-2B8-2FwqWK1BTg-3D'>Tết</a>

Nguồn: https://topchuan.com/top-10-bai-van-ta-khu-cho-ma-em-biet-hay-nhat/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét