Người Comlumbia chào đón Tết
Tại các thành phố ở Comlumbia, người ta thường tổ chức một phong tục truyền thống thú vị, đó là tục "đốt năm cũ". Mỗi gia đình sẽ chuẩn bị sẵn một con búp bê nam giới làm biểu tượng cho năm cũ và để nhiều vật liệu khác nhau vào con búp bê, thỉnh thoảng họ còn cho pháo hoa vào để khi đốt trong sẽ đẹp mắt hơn. Nếu người nào có vật dụng gắn liền với kỷ niệm đau buồn hay mang lại xui xẻo cho họ thì hãy nhét chúng vào con búp bê "năm cũ" và mặc cho con búp bê này những bộ trang phục cũ trong nhà.Đúng vào lúc tiếng chuông điểm 12 h trong đêm Giao Thừa, mỗi nhà sẽ cùng nhau mang những con búp bê "năm cũ" ra thiêu hủy hết. Đây là hành động tượng trưng cho việc người Comlumbia sẽ quên đi những chuyện buồn phiền trong quá khứ và vứt bỏ hết các xui xẻo của năm cũ. Điều này còn có nghĩa là tất cả đã sẵn sàng để chào đón một năm mới nhiều may mắn và hạnh phúc hơn.
Đón chào năm mới ở nước Nga
Trong không gian lãnh thổ trải dài bao la với những miền đất phủ đầy tuyết trắng, mỗi người dân Nga dù ở bất kỳ đâu trong cả nước đều cố gắng kết thúc công việc sớm nhất có thể để cùng đón chào năm mới với gia đình mình. Từ làng quê xa xôi đến thành thị náo nhiệt, hiện đại, nhà nhà đều chuẩn bị sẵn một cây thông để đón Tết trong nhà. Tuy thông bằng nhựa phổ biến nhưng người Nga ưu tiên và yêu thích những cây thông thiên nhiên tràn đầy sức sống hơn. Đối với gia đình Nga, mọi người sẽ quây quần bên nhau để trang trí nên những cây thông độc đáo và thú vị nhất. Đến ngày đầu năm mới, người lớn sẽ giả trang thành các nhân vật cổ tích huyền thoại là: Ông Già Tuyết và Bà Chúa Tuyết, để mang đến các phần quà bất ngờ cho trẻ con trong dịp Tết .Khi tiếng đồng hồ báo hiệu năm mới đến, mọi người sẽ tụ họp lại với nhau để ngắm nhìn những màn trình diễn pháo hoa lộng lẫy, cùng múa hát và chúc sức khỏe, bình an đến những người xung quanh. Sau đó, họ sẽ về nhà để tổ chức các buổi tiệc linh đình với món bánh truyền thống - Kulebeak. Đến ngày hôm sau, mỗi gia đình sẽ dành riêng bánh mì và muối để làm tặng phẩm may mắn cho những người khách đến thăm nhà của họ.
Phong tục đón Tết ở Nhật Bản
Phong tục đón Tết ở Nhật Bản là sự kết hợp giữa truyền thống phương đông và văn hóa của các nước phương tây. Người Nhật tổ chức đón năm mới vào ngày 1/1 theo lịch Tây và kéo dài trong vòng 2 tuần lễ. Tết trong tiếng Nhật được gọi là "Oshogatsu" - một dịp lễ vô cùng quan trọng để các thành viên trong gia đình sum họp với nhau sau tháng ngày làm việc bận rộn. Trước cửa mỗi nhà sẽ trang trí một vòng rơm khô tượng trưng cho cát tường và niềm hân hoan trong năm mới. Vào đêm Giao Thừa, tiếng chuông chùa sẽ rung đến lần thứ 100 với âm thanh hùng hồn, lan tỏa khắp các thành phố của Nhật để báo hiệu một khởi đầu mới và xua tan xui xẻo trong dịp đầu năm.Với niềm tin vào linh hồn tổ tiên sẽ ghé thăm con cháu khi Tết đến, người Nhật sẽ dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, tươm tất và trang trí xinh đẹp để đón thần linh viếng thăm. Khắp mọi cửa ra vào, họ sẽ quấn những cành thông và tre cùng nhau để làm biểu tượng cho sự trường thọ và tấm lòng trung thành. Còn đối với phụ nữ Nhật Bản, họ sẽ bận rộn trong bếp để làm các món ăn truyền thống đa dạng và rực rỡ màu sắc, đặc biệt là món bánh gạo Mochi để dâng cúng tổ tiên và chuẩn bị đãi khách trong bữa tiệc tất niên và tân niên. Đúng 12 h Giao Thừa, người Nhật thường cùng nhau đến đền, chùa để xin lộc đầu năm và bùa hộ mệnh, bình an cho một năm mới an khang và thịnh vượng.
Đón Tết tại Mỹ
Như chúng ta đã biết, Mỹ là một quốc gia điển hình nhất cho sự đa dạng về sắc tộc và văn hóa, được hình thành từ các cư dân nhập cư ở mọi miền trên thế giới. Tuy nhiên, vào dịp lễ đón năm mới, tất cả người dân Mỹ đều có một đặc trưng chung, đó chính là vào lúc 12 h trong đêm Giao Thừa Tết Dương Lịch 31/12, mọi người sẽ cùng đi ra khắp các đường phố và nhảy múa tưng bừng suốt đêm để chào đón năm mới.Đặc biệt, tại đô thị sầm uất bậc nhất của siêu cường quốc này - New York, người dân sẽ cùng nhau tụ tập ở trước Quảng Trường Thời Đại, để đón chào giờ khắc thiêng liêng của sự chuyển giao năm cũ sang năm mới trong một bầu không khí vô cùng sôi động và náo nhiệt với sự hiện diện có hàng trăm ngàn người. Khi thời điểm đếm ngược bắt đầu, mọi người sẽ bên nhau cùng đếm những giây cuối cùng, chính vào thời điểm chuông đồng hồ điểm 12 h đúng, một quả cầu khổng lồ đẹp lung linh huyền ảo sẽ rơi xuống từ độ cao 40 m.
Trong giây phút đó, trên bầu trời sẽ xuất hiện vô vàn những mảnh thủy tinh lấp lánh. Chúng như ánh sao băng vụt ngang qua màn đêm của năm cũ để bùng sáng lên hi vọng về một năm mới tràn đầy hạnh phúc cho mọi người dân Mỹ. Ngay sau đó, người người sẽ cùng cất lên bài hát quen thuộc "Auld Lang Syne" và chúc phúc những người xung quanh bằng câu nói "Happy New Year". Một nét văn hóa đặc sắc tại truyền thống đón Tết Dương Lịch ở Mỹ đó chính là màu sắc trang phục. Nếu có người đang khát vọng tìm kiếm tình yêu đích thực trong đời mình thì sẽ mặc những chiếc áo màu vàng còn người cầu mong nhiều tiền tài trong năm mới thì sẽ mặc trang phục màu bạc.
Sau những giờ phút tưng bừng trên đường phố, mọi người sẽ cùng nhau về đoàn tụ với gia đình và bạn bè. Họ sẽ tổ chức những bữa tiệc đón năm mới thâu đêm với các món ăn truyền thống như: bắp cải, cá mòi và mật ong. Nhiều người Mỹ tin rằng các món này sẽ mang lại thật nhiều may mắn, sức khỏe và thành công cho họ vào dịp đầu năm. Trong những ngày của năm mới, người Mỹ sẽ dành nhiều thời gian để sum vầy cùng thân nhân để bù lại khoảng thời gian bận rộn vì công việc trong suốt cả năm.
Tết tại nước Đức
Đối với người Đức, họ sẽ dành trọn 1 tuần lễ để sum họp với gia đình, bạn bè và vui chơi thỏa thích trong dịp đầu năm mới. Vào đêm Giao Thừa 31/12, bầu không khí khá tĩnh lặng khi mọi người đều tập trung lại và giữ nguyên tư thế trên ghế ngồi trong 15 phút cuối cùng của năm cũ. Ngay khi tiếng chuông nhà thờ vang lên, họ sẽ nhảy bật xuống ghế và cùng nhau ném một vật nặng chuẩn bị từ trước ra sau đầu. Theo niềm tin của người Đức, lúc đó chính là thời điểm họ thoát khỏi những khó khăn và vận xui đeo bám trong năm cũ để chào đón nhiều điều tốt lành khi năm mới bắt đầu.Sau đó, tất cả sẽ cùng đi diễu hành khắp các đường phố lớn nhỏ cả nước trong bầu không khí vô cùng sôi động và náo nhiệt. Những đứa trẻ sẽ biểu diễn các tiết mục âm nhạc từ những chiếc phong cầm và kèn Harmonica để mang đến lời cầu nguyện tốt đẹp cho mọi người trong sự du dương huyền ảo của âm nhạc truyền thống. Còn những người lớn sẽ tụ tập thành nhóm lớn để hát vang bài ca năm mới và phất lên những lá cờ rực rỡ sắc màu.
Bên cạnh đó, người Đức còn có nhiều phong tục độc đáo trong dịp đầu năm. Trong bữa tiệc đầu năm, họ sẽ để lại một phần các món ăn để giữ cho gia đình mình luôn sung túc và đầy đủ vật chất trong cả năm. Ngoài ra, với khát vọng thịnh vượng trong năm mới, người Đức sẽ mang một con cá chép vào tủ đồ ăn với niềm tin nó sẽ mang lại may mắn cho họ. Một điều thú vị là họ còn có phong tục xem bói đầu năm khi sử dụng một giọt kim loại nung nóng chảy để rót vào nước lạnh và tùy theo hình dáng của nó để tiên đoán một số sự việc sẽ xảy ra trong năm.
Cách người Pháp đón năm mới
Một nét văn hóa độc đáo nhất trong phong tục đón Tết tại Pháp là người dân tại đây đón năm mới bằng rượu. Ngay khi đến ngày 31/12, người Pháp sẽ bắt đầu bữa tiệc rượu triền miên và say sưa đến tận ngày 3/1 mới kết thúc. Với niềm tin vững chắc rằng khi uống cạn sạch sẽ tất cả rượu mà họ chuẩn bị thì năm mới sẽ tràn đầy những điều tốt lành và may mắn. Ngược lại, họ sẽ gặp phải vận xui khi vẫn còn rượu chưa uống hết.Thêm vào đó, trong dịp đầu năm, mỗi người dân Pháp sẽ rủ nhau ra đường để tiên đoán thời vận qua các hướng gió thổi. Theo như quan niệm truyền thống từ xưa, nước Pháp sẽ có một năm bình an, thuận lợi khi gió thổi ở hướng Nam. Những người chăn nuôi bò sữa và ngư dân sẽ có một năm bội thu nếu gió thổi từ hướng Tây. Ngoài ra, gió từ hướng Đông sẽ mang đến một năm sung túc cho các nông dân trồng trọt cây ăn quả. Tuy nhiên, nếu là gió hướng Bắc thì sẽ báo hiệu một năm trắc trở và mùa màng thất bát.
Nguồn: https://topchuan.com/top-7-phong-tuc-thu-vi-nhat-de-don-chao-nam-moi-tren-the-gioi/